Bắc Giang: Sơ kết Đề án triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh
Đồng chí Mai Sơn chủ trì hội nghị.
|
Đề án triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh được triển khai từ năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 1.065 camera đưa vào sử dụng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh và các huyện, TP đã đầu tư hơn 53 tỷ đồng nâng cấp Trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông; lắp đặt mới hàng trăm camera an ninh, giao thông.
Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống camera an ninh đã hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng công an khai thác hình ảnh phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự; điều tra, xử lý 153 vụ việc vi phạm pháp luật hình sự, 52 vụ tai nạn giao thông, khai thác phạt nguội đối với hơn 11,1 nghìn trường hợp, tổng mức phạt 21,8 tỷ đồng.
Đến nay, có 6/10 huyện hoàn thành các giai đoạn của Đề án; các huyện Tân Yên, Sơn Động và TP Bắc Giang đã bố trí kinh phí mở rộng Đề án theo kế hoạch.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, làm rõ một số khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai. Trong đó, một số huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên đang gặp khó khăn về kinh phí lắp đặt, duy trì, bảo dưỡng hệ thống camera an ninh, giao thông. Quá trình vận hành tại các địa phương đôi khi gặp sự cố mất kết nối do hỏng, lỗi thiết bị đường truyền.
Số lượng camera giao thông lắp đặt tại ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, khu vực công cộng còn ít nên việc khai thác các chức năng cảnh báo cháy nổ, tai nạn còn hạn chế. Tỷ lệ thu nộp ngân sách đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera còn thấp.
Đại tá Nguyễn Quốc Toản phát biểu tại hội nghị. |
Trao đổi với các huyện, TP, Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, quá trình triển khai Đề án đã được các địa phương, đơn vị thực hiện quyết liệt, phối hợp chặt chẽ. Với vai trò cơ quan chủ trì theo dõi, tham mưu, Công an tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương cần trao đổi thường xuyên hơn về quá trình thực hiện.
Đại tá Nguyễn Quốc Toản cũng đề xuất tiếp tục đánh giá nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm giao thông đối với chủ phương tiện, người điều khiển xe mô tô gửi thông tin về cơ sở. Chọn lựa các điểm công cộng, nơi tập trung đông người hoặc những địa điểm có tính chất phức tạp để lắp đặt camera. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng quy chế phối hợp xử lý sự cố bảo đảm tính bảo mật, an ninh an toàn của hệ thống camera.
Kết luận hội nghị, đồng chí Mai Sơn khẳng định: Hệ thống camera an ninh, giao thông đã góp phần phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, an toàn giao thông ở cơ sở. Từ đó giúp hạn chế tai nạn giao thông, truy bắt, truy tìm các đối tượng vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đồng chí Mai Sơn cho rằng, một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chưa bố trí đầy đủ kinh phí, chưa chỉ đạo quyết liệt công tác này. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ sở có lúc chưa tốt.
Đồng chí đề nghị thời gian tới các địa phương, đơn vị rà soát, bố trí, thiết kế, lắp đặt các camera bảo đảm phù hợp với từng địa bàn, tính năng kỹ thuật; giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện rà soát. Đồng thời, quan tâm phê duyệt cấp độ an toàn, an ninh mạng, chậm nhất xong trong tháng 9/2023.
Các huyện, TP bố trí kinh phí hằng năm, chi thường xuyên cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống camera an ninh, giao thông. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa, vận động người dân, doanh nghiệp lắp đặt camera tại các vị trí cổng, cửa ra vào. UBND tỉnh sẽ có văn bản riêng gửi đến các huyện, TP, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các khu công nghiệp vận động doanh nghiệp lắp đặt camera an ninh.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với các nhà mạng để nghiên cứu, có báo giá hợp lý. Có phương án xử lý các xe mô tô vi phạm, khai thác kết hợp với dữ liệu dân cư, công bố danh tính chủ phương tiện vi phạm trật tự trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
Tin, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)