Bắc Giang quản chặt hoạt động kinh doanh giống cây ăn quả
Theo Luật Trồng trọt năm 2018, tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện như: Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng; có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh giống cây ăn quả tại thị trấn Bích Động (Việt Yên). |
Kết quả cho thấy, bà Tâm không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hồ sơ giống. Trong số hàng nghìn cây ăn quả, cây lâm nghiệp được bày bán chỉ có 50 cây mít thái có tem truy xuất, còn lại không có tem. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu bà Tâm hoàn thiện hồ sơ, chấp hành các quy định của pháp luật.
Trước mắt, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả. Tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định, sau đó sẽ thiết lập hồ sơ xử lý đối với những trường hợp cố tình không chấp hành, từng bước đưa hoạt động kinh doanh giống cây ăn quả vào nền nếp". Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT |
Tương tự, tại cửa hàng Chúc Điệp, Châu Hương (cùng ở thị trấn Bích Động); một số cơ sở ở thị trấn Chũ, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) cũng có nhiều cây giống gồm: Bưởi, hồng xiêm, bạch đàn, chanh, cam… không thể truy xuất nguồn gốc. Chủ các cơ sở lý giải, đa phần giống cây trồng trên được nhập từ Hưng Yên, Hà Nội về bán. Hoạt động kinh doanh diễn ra nhiều năm song giờ mới nắm được quy định về truy xuất nguồn gốc giống.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do chính quyền cơ sở chưa tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các quy định của pháp luật đến người dân. Một số người dù biết quy định nhưng chưa tự giác chấp hành. Cùng đó, cơ quan chuyên ngành chưa chú trọng quản lý hoạt động kiểm tra chất lượng giống cây ăn quả. Ngoài ra, người mua cũng không đòi hỏi cây giống có nguồn gốc hay không.
Chị Nguyễn Thị Tám, xã Tự Lạn (Việt Yên) mua cây giống tại một cửa hàng tại thị trấn Bích Động, nói: “Gia đình tôi có hơn một sào vườn đồi. Đến cửa hàng họ tư vấn cho cây nào thì mua cây đó về trồng, còn nguồn gốc cây giống ra sao tôi cũng không để ý. Nếu chẳng may cây không ra quả hay chất lượng không đạt thì đành chịu”.
Từ những yếu tố trên cho thấy, nguồn giống cây ăn quả cung cấp cho sản xuất rất đáng ngại. Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Mấy năm gần đây, Bắc Giang tăng nhanh diện tích cây có múi song trên địa bàn tỉnh lại có ít cơ sở sản xuất giống cây này. Nguồn giống đa phần phải nhập từ các tỉnh khác về, nhất là cam Canh, khó kiểm soát chất lượng khiến nhiều hộ sau nhiều năm trồng trắng tay”.
Ví như, hộ ông Nguyễn Đình Khám, thôn Bình Giang, xã Bình Sơn (Lục Nam) phải phá bỏ hàng loạt diện tích cam Canh bị bệnh để trồng vải, ổi. Hay mới đây, nhiều hộ tại các xã: Đông Phú (Lục Nam), Tự Lạn (Việt Yên), Trí Yên (Yên Dũng)… trồng nho Hạ Đen nhưng sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc, chăm sóc không đúng kỹ thuật đã thu về “trái đắng”.
Người dân xã Bình Sơn (Lục Nam) phá bỏ cam bị bệnh do mua cây giống không rõ nguồn gốc. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 100 cửa hàng, cơ sở bán giống cây ăn quả. Trong đó, nhiều cửa hàng không đăng ký kinh doanh. Trong các cửa hàng, những giống cây ăn quả được đưa ra từ miền Nam đa phần có xuất xứ, gắn tem truy xuất. Điều này thể hiện sự chặt chẽ trong quản lý giống cây trồng tại các tỉnh, TP phía Nam. Cây ăn quả sau trồng từ 3-4 năm mới cho quả nên nếu mua phải cây giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ thiệt hại nặng. Việc khắc phục hậu quả kéo dài, lãng phí đất, tiền của sau bao ngày người trồng dày công chăm sóc.
Trước thực tế trên, năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định quản lý hoạt động kinh doanh giống cây ăn quả là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, trước mắt Sở sẽ kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả.
Ban đầu tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định, sau đó sẽ thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm với các trường hợp cố tình không chấp hành, từng bước đưa hoạt động kinh doanh giống cây ăn quả vào nền nếp. Riêng giống nho Hạ đen, ngoài xử phạt hành chính đối với cơ sở vi phạm, Sở yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục giám sát, không để tái diễn.
Ý kiến bạn đọc (0)