Bắc Giang: Phòng trừ dịch hại, bảo vệ lúa xuân
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành gieo trồng vụ xuân đúng tiến độ với gần 70 nghìn ha cây trồng. Trong đó, lúa 48,6 nghìn ha, đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đáng ngại là hiện nay một số dịch hại xuất hiện gây hại mạnh cho lúa. Khảo sát tại cánh đồng xã Song Khê (TP Bắc Giang) cho thấy diện tích lúa đang thì con gái nổi bật lên màu trắng của ni-lông bao quanh các thửa ruộng.
Nông dân thôn Toàn Thắng, xã Lão Hộ (Yên Dũng) căng ni-lông quanh ruộng lúa để hạn chế chuột hại. |
Điều này thể hiện nhà nào cũng phải chăng giấy bóng chống chuột. Một số khoảnh lúa chỉ còn trơ gốc do bị chuột cắn cụt ngọn. Chị Hoàng Thị Hương, thôn Song Khê, xã Song Khê nói: “Năm nay, chuột hại mạnh hơn năm trước, tôi đã làm bả đánh chuột nhưng không giảm là bao. Có đêm chuột cắn mất một góc lúa rộng, sốt ruột tôi đành bỏ tiền mua giấy bóng phủ kín bờ”. Không chỉ hộ chị Hương, các hộ khác canh tác lúa tại khu vực này đều phải thêm khoản chi phí cho việc phòng chuột gây hại. Tương tự, cánh đồng của xã Lão Hộ (Yên Dũng) cũng đang bị chuột hoành hành. Một số thửa ruộng, lúa bị cắn ngang thân. Để giảm thiệt hại, nông dân đang tỉa, dặm lúa bổ sung vào phần trống.
Một ruộng lúa bị chuột gây hại. |
Sở dĩ chuột hại mạnh như hiện nay là do thời gian qua dù việc diệt chuột được quan tâm nhưng không ít địa phương triển khai chưa đồng loạt. Một số hộ phản ánh có tình trạng thuốc kém chất lượng nên chuột ăn bả không chết. Bên cạnh đó, nhiều hộ chưa chú trọng đến phòng trừ dịch hại. Trong khi đó, chuột là loài sinh sản nhanh, mức độ gây hại lớn.
Theo tổng hợp bước đầu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh có hơn 224 ha lúa bị chuột hại, trong đó diện tích thiệt hại nặng là 38 ha. Dự báo đối tượng này tiếp tục gây hại trên diện rộng trong thời gian tới. Nguyên nhân bởi ngoài chuột, thời tiết nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao nên các loại sâu hại khác cũng xuất hiện như: Bọ trĩ, đạo ôn lá.
Được biết, một số địa phương đã triển khai kế hoạch diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Đơn cử, mới đây UBND huyện Yên Thế phát động chiến dịch diệt chuột năm 2020. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn ra quân tập trung thành 3 đợt chính. Đợt 1 từ ngày 15/3 đến 15/4; đợt 2 từ 10/7 đến 10/8; đợt 3 từ 15/10 đến ngày 10/12. Huyện bố trí ngân sách từ nguồn vốn sự nghiệp nông, lâm nghiệp hỗ trợ 50% kinh cho người dân mua 20 nghìn gói thuốc diệt chuột. Hay như huyện Lạng Giang thông báo thường xuyên về tình hình chuột hại đến nông dân, khuyến cáo các biện pháp phòng trừ. Huyện Yên Dũng cũng hỗ trợ một phần kinh phí mua thuốc diệt chuột vi sinh để làm bả sinh học cho người dân.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa nói riêng năm nay phải đối diện với nhiều khó khăn bất thường. Thời tiết không theo quy luật, xuất hiện nhiều trận mưa đá, mưa lớn đầu năm. Đối tượng dịch hại, nhất là chuột đang gia tăng gây hại. Một số cánh đồng xen lẫn khu dân cư, đồi cao là điều kiện cho chuột cắn phá cây trồng. Trước tình hình trên, để hạn chế thiệt hại cũng như bảo đảm năng suất, sản lượng lương thực trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành nông nghiệp tập trung đồng bộ, quyết liệt các biện pháp định hướng sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Các địa phương thực hiện chiến dịch ra quân diệt chuột đồng loạt, rộng khắp; giao chỉ tiêu kế hoạch cho từng xã, thị trấn; hướng dẫn các biện pháp diệt chuột, ưu tiên biện pháp thủ công; khuyến khích, hỗ trợ người có kinh nghiệm diệt chuột bằng bẫy. Trên thực tế, tại thôn Cao Lôi, xã Ninh Sơn (Việt Yên) vẫn có một số cá nhân diệt chuột hiệu quả, được người dân gọi là “vua diệt chuột”. Đi đôi với biện pháp trên là quản lý chặt chẽ thị trường vật tư nông nghiệp, trong đó có thuốc diệt chuột, bảo đảm sản phẩm chất lượng cung ứng đến người dân.
Về phía người dân nên thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện và phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại trên cây trồng, nâng cao tính tự giác diệt chuột bảo vệ mùa màng. Trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách) để phát huy hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người và cây trồng.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)