Bắc Giang: Phát triển vùng cây giống lâm nghiệp chất lượng cao
Cây rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng
Thời tiết có mưa nên dù đã lập đông nhưng vườn cây giống lâm nghiệp Yến Hùng ở thôn Hà Tú, xã Chu Điện (Lục Nam) vẫn có nhiều khách hàng đến chọn mua cây về trồng. Trong vườn, hàng vạn cây con được xếp thành từng ô ngăn nắp. Mỗi ô đều được cắm biển ghi rõ loài, giống để kiểm soát.
Chị Nguyễn Thị Hương Giang, chủ vườn ươm Yến Hùng chia sẻ, gia đình sản xuất cây giống từ năm 2013, với diện tích 3 sào ban đầu, nay đã mở rộng lên 1 ha. Mỗi năm xuất bán 1 triệu cây, chủ yếu là các dòng bạch đàn DH32-29, U6; keo BV16, BV32 cho năng suất cao, đạt từ 25-30 m3/năm, tăng hơn các loại giống cũ từ 30-40%. 100% số cây giống đều được sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô. Nguồn giống lấy từ Trung tâm Giống cây trồng Bắc Giang và Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Bình. “Cây giống của gia đình tôi có xuất xứ rõ ràng, được sản xuất đúng quy trình kỹ thuật nên khách hàng tin dùng. Hiện gần 70% lượng cây xuất vườn của tôi được bán sang các tỉnh: Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk”, chị Giang chia sẻ.
Cạnh vườn ươm Yến Hùng là vườn ươm cây giống lâm nghiệp Trọng Lý và vườn ươm của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Thanh Yên. Tại đây, có gần 20 công nhân làm bầu đất, chăm sóc cây non phục vụ cho vụ trồng rừng đầu xuân 2023. Bà Bùi Thị Yên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Thanh Yên cho biết, mỗi năm doanh nghiệp (DN) xuất vườn 1,5 triệu cây giống. “Được bạn hàng tin cậy nên khi cây đến kỳ xuất bán, chúng tôi chỉ cần thông tin lên Zalo, Facebook là bà con sẽ tìm đến mua. Khách xa gọi điện đặt hàng, chúng tôi vận chuyển đến tận nơi, không lo ế”, bà Yên nói.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Nam kiểm tra cây giống lâm nghiệp trước khi xuất vườn tại vườn ươm của gia đình chị Nguyễn Thị Hương Giang. |
Năm 2022, toàn tỉnh sản xuất được hơn 38,74 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trị giá hơn 92 tỷ đồng (khoảng 40% lượng cây giống được bán ra ngoài tỉnh); tỷ lệ cây rõ nguồn gốc đạt 99,8%, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Lục Nam là địa phương duy nhất tỷ lệ cây giống rõ nguồn gốc, xuất xứ đạt 100% với tổng sản lượng năm 2022 là hơn 5,4 triệu cây.
Anh Lê Thanh Thủy, chủ vườn ươm Ngọc Thủy, thôn Thượng An, xã Song An, thị xã An Khê (Gia Lai) - một trong những khách hàng chuyên nhập cây giống lâm nghiệp từ Bắc Giang chia sẻ: “Hơn 2 năm qua, tôi chỉ nhập cây giống từ Bắc Giang về cung ứng cho người dân trong vùng, với sản lượng 80 vạn cây/năm. Bởi cây giống do Bắc Giang sản xuất có hồ sơ chứng minh nguồn gốc rõ ràng, cây khỏe, sinh khối cao nên dễ tiêu thụ”.
Xây dựng trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao
Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, có được kết quả trên là do kỹ thuật sản xuất cây giống của các cơ sở ngày một nâng lên. Cùng đó, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương thường xuyên phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm cây xuất vườn rõ nguồn gốc, chất lượng cao.
Tuy nhiên, dù sản lượng cây giống lâm nghiệp của Bắc Giang đạt cao, tỷ lệ cây được sản xuất bằng công nghệ cao (nuôi cấy mô tế bào, giâm hom) chiếm tới 76,3% nhưng hiện tại Công ty Giống cây trồng Bắc Giang (đơn vị duy nhất tại tỉnh) mới chỉ tự sản xuất được hơn 3 triệu cây theo phương pháp nuôi cấy mô/năm, đáp ứng dưới 10% nhu cầu thị trường. Lượng mầm cây giống còn lại vẫn phải nhập từ các tỉnh bạn. Trước thực tế này, ngày 12/9/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang” (gọi tắt là đề án). Lý do Yên Thế là huyện đang có số cơ sở sản xuất và lượng cây giống lâm nghiệp cao nhất tỉnh, với 70 cơ sở và hơn 20 triệu cây/năm.
Toàn tỉnh hiện có 131 cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp. Trong đó, huyện Yên thế có 70 cơ sở; Sơn Động: 39; Lục Nam 18; Lục Ngạn: 3 và Lạng Giang có 1 cơ sở. Năm 2022, toàn tỉnh sản xuất được hơn 38,74 triệu cây. Số cây đã xuất vườn hơn 30,4 triệu cây. |
Mục tiêu đề án nhằm nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại, nhằm chủ động cung ứng đủ giống có chất lượng phục vụ nhu cầu trồng cây, trồng rừng trong tỉnh và xuất bán ra thị trường miền Bắc. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 35,5 tỷ đồng. Tỉnh sẽ xây mới 1 trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2030 đạt công suất từ 10 triệu cây mầm mô/năm trở lên, chủ động nguồn vật liệu giống chất lượng cao tại địa phương. Nâng công suất sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của huyện Yên Thế lên 30 triệu cây vào năm 2030; tỷ lệ cây được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô chiếm 80%.
Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang (đơn vị đại diện quản lý đề án) thông tin, đơn vị đang xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện đề án. Dự kiến đến năm 2023 sẽ triển khai giải phóng mặt bằng, đưa công trình Trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh để mời gọi nhà đầu tư. Huyện Yên Thế cũng đang tích cực tuyên truyền nội dung của đề án đến người dân. UBND huyện đã đưa hạng mục Trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao của đề án vào quy hoạch chung sử dụng đất của thị trấn Bố Hạ, chờ tỉnh phê duyệt điều chỉnh để triển khai các bước thực hiện.
Với tầm nhìn và định hướng phát triển vùng sản xuất cây giống lâm nghiệp của tỉnh, tương lai, không chỉ Yên Thế, mà cả tỉnh Bắc Giang sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất cây giống lâm nghiệp của miền Bắc.
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)