Bắc Giang: Phản biện về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030
Dự hội thảo có đồng chí Trương Quang Hải, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; GS.TS Dương Xuân Ngọc, Chủ tịch Hội Các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội; một số giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. |
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, hình thành 3 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường bộ hành của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với thương hiệu Lục Ngạn - bốn mùa trái ngọt; không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí Nham Biền.
Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác một khu du lịch cấp quốc gia, 10 sân golf, công nhận 3 khu du lịch cấp tỉnh, 25 điểm du lịch, có ít nhất 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, thu hút được khoảng 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động.
Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, bảo đảm đủ khả năng phục vụ các hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao, thương mại quy mô cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia. Phát triển hiệu quả kinh tế ban đêm, đưa Bắc Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực.
Ông Nguyễn Thế Chính, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tham gia tư vấn, phản biện. |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện nhằm định hướng, xây dựng, phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang bảo đảm bền vững, chuyên nghiệp, khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của vùng và cả nước.
Ông Nguyễn Thế Chính, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đóng góp ý kiến về việc cần xác định thương hiệu du lịch của tỉnh. Việc xây dựng khu du lịch cấp quốc gia khó có khả năng thực hiện được vì hiện nay chưa có vùng nào được quy hoạch. Việc phát triển dịch vụ du lịch đêm, trong đó có phát triển casino chưa phù hợp. Cùng đó, các địa điểm vui chơi, sản phẩm lưu niệm còn ít dẫn tới nguồn thu từ khách du lịch thấp. Loại hình du lịch về nguồn, địa chỉ đỏ cho các đối tượng học sinh chưa khai thác được nhiều.
TS Hoàng Thị Điệp, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu dự thảo cần đề cập vấn đề phát triển du lịch bền vững, theo hướng chuyên nghiệp vì đó là yêu cầu cốt lõi, xu thế phát triển du hiện nay. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch mới có thể cạnh tranh với các vùng, cả nước, khu vực, quốc tế. Khi năng lực còn hạn chế cần đẩy mạnh liên kết nội vùng, vùng để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch, qua đó hỗ trợ nhau phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tham gia tư vấn, phản biện. |
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nêu việc cần xác định rõ đối tượng khách hàng, tâm lý khách hàng và mỗi sản phẩm du lịch được đặt tên để nhắm tới một đối tượng khách hàng cụ thể. Cần chú trọng phát triển du lịch hội thảo, hội nghị, nghiên cứu giáo dục và du lịch tâm linh. Việc số hóa, chuyển đổi số trong du lịch cần thực hiện ngay để khách du lịch có thể tìm kiếm thông tin du lịch tại địa phương một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Một số ý kiến nêu vấn đề, du lịch tỉnh Bắc Giang cần nghiên cứu sâu hơn về lợi thế so sánh. Đặt trọng tâm du lịch tỉnh trong bối cảnh nội tại, các nước trên thế giới, đặc biệt khả năng phục hồi du lịch khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và sau khi hết dịch. Cần xác định rõ khách hàng là ai, để làm ra sản phẩm họ cần chứ không chỉ bán những sản phẩm du lịch ta đang có.
Để lan tỏa, giúp khách du lịch tiếp cận nhanh hơn những sản phẩm du lịch, yếu tố truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang Trần Văn Đức, công tác truyền thông đã xác định rõ đối tượng đó là nhà đầu tư, khách du lịch, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, nhân dân tại địa phương. Những năm qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về du lịch ngày càng được nâng cao, qua đó chung tay xây dựng du lịch tỉnh nhà chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn. Qua các kênh thông tin như báo chí, tổ chức sự kiện, các mạng xã hội đã tiếp cận khách du lịch nhanh nhất, tuy nhiên cần xây dựng được ý tưởng truyền thông tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Hội đồng phản biện đề nghị đơn vị xây dựng dự thảo và các đơn vị liên quan rà soát, chỉnh sửa, bổ sung bố cục và hoàn thiện nội dung nhằm bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tin, ảnh: Hữu Trình
Ý kiến bạn đọc (0)