Bắc Giang: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2015-2020 tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo
Trong bối cảnh đó, với truyền thống đoàn kết, sức mạnh nội lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Giang đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Tiếp tục giành nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh (QPAN); đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015- 2020, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt xa so với kế hoạch. Những dấu ấn nổi bật là:
Về kinh tế: Chúng ta có mức tăng trưởng nhanh và khá đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, tỷ lệ tăng trưởng (GRDP) bình quân đạt 14%/ năm, nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất của cả nước; nhờ đó quy mô kinh tế được mở rộng, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) năm 2020 ước đạt 123 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015, vươn lên đứng thứ 16/63 tỉnh, TP. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, tỷ trọng đạt 57,7%. Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư nâng cấp, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, cải thiện môi trường... Nhiều công trình, dự án KT-XH quy mô lớn đã được triển khai và hoàn thành đi vào hoạt động hiệu quả, diện mạo đô thị và nông thôn của địa phương thay đổi nhanh chóng.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái thăm Nhà máy nước sạch DNP Bắc Giang. |
Sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN) có nhiều khởi sắc: Công nghiệp liên tục duy trì tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân đạt gần 24%/năm, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; không gian công nghiệp được mở rộng góp phần quan trọng giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho các nhà đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút được trên 5,8 tỷ USD, gấp 3,5 lần cả giai đoạn 2011-2015 (riêng vốn FDI đạt 3,8 tỷ USD, gấp 4,3 lần); phát triển DN là điểm sáng của cả nước, bình quân mỗi năm thành lập mới trên 1.200 DN, đến nay toàn tỉnh có gần 11.000 DN đăng ký thành lập với 447 DN FDI.
"Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, được toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quan tâm, hướng về Đại hội với niềm tin tưởng sâu sắc và đặt rất nhiều kỳ vọng. Chúng ta tin tưởng rằng, với tất cả tinh thần “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo”; toàn Đảng bộ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách; vững vàng bước vào một thời kỳ mới, phát triển toàn diện và vững chắc hơn". Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Hải |
Thương mại- dịch vụ phát triển đa dạng, đồng bộ, chất lượng có nhiều chuyển biến, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 11,1 tỷ USD, vượt 71% mục tiêu Đại hội. Thu ngân sách tăng bình quân 18,9%/năm, năm 2020 đạt trên 10.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần mục tiêu Đại hội. Trong đó các khoản thu mang tính bền vững từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng nhanh.
Sản xuất nông - lâm nghiệp mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh và điều kiện thời tiết cực đoan nhưng vẫn giành nhiều thắng lợi, tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 1,9%/năm; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cây, con được triển khai hiệu quả góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giá trị tổng sản phẩm trên 1 ha đạt 110 triệu đồng, tăng 28% so với năm 2015. Phương thức sản xuất chuyển dịch mạnh theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với thị trường. Đã hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích trên 50.000 ha, đứng thứ 4 cả nước; vùng vải thiều 28.000 ha, lớn nhất cả nước; đàn gia cầm và đàn lợn đều đứng thứ 4 cả nước. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, như: Vải thiều, cam, bưởi, na, nhãn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, rượu Làng Vân... Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ rừng bao phủ (ngoài diện tích cây ăn quả) chiếm 38% diện tích đất tự nhiên; rừng kinh tế phát triển mạnh, sản lượng gỗ khai thác đạt gần 3 triệu m3, kinh tế rừng đã mang lại nguồn thu lớn cho nhân dân miền núi.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng, đến nay đã có 3/9 huyện và 124/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 67,4% số xã), vượt xa mục tiêu đại hội; chất lượng các tiêu chí nông thôn mới được nâng lên, nhất là các tiêu chí gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân, như: Tiêu chí về giao thông, trường học, y tế, môi trường, thủy lợi…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực: Giáo dục phát triển toàn diện, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 92,4%, trường chuẩn quốc gia đạt 93,2%; 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo quy định; chất lượng giáo dục toàn diện và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia luôn duy trì trong nhóm 12 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Hệ thống y tế được tăng cường, đã có 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 99%; số giường bệnh và số bác sĩ trên 1 vạn dân tăng lên. Phong trào văn hóa, thể thao quần chúng phát triển đa dạng, rộng khắp. Các chính sách về an sinh, phúc lợi xã hội, người có công, người nghèo được chăm lo thường xuyên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%, đến nay cơ bản đã xóa xong nhà tạm, chênh lệch giàu - nghèo giảm xuống, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 3.000 USD (cao gấp 2 lần năm 2015), bằng với bình quân chung của cả nước.
Xã Thanh Hải là một trong những vùng trồng cam trọng điểm của huyện Lục Ngạn. |
Công tác xây dựng Đảng, bảo đảm QPAN ngày càng được củng cố, tăng cường. Thế trận phòng thủ khu vực kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh, giữa kinh tế và chính trị. Tình hình địa phương luôn bảo đảm ổn định về chính trị, QPAN. Các tổ chức trong hệ thống chính trị có sự phối hợp, gắn kết nhịp nhàng, thống nhất, hiệu quả, bảo đảm hạt nhân lãnh đạo toàn diện, về mọi mặt của Đảng. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng nâng lên; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc,...
Những kết quả đạt được 5 năm qua, có thể khẳng định Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, đưa vị thế, tiềm lực của Bắc Giang lên một tầm cao mới, tạo tiền đề quan trọng để bước vào nhiệm kỳ mới phát triển toàn diện, vững chắc hơn. Từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết có thể rút ra một số bài học thành công là:
Thứ nhất, tập thể lãnh đạo tỉnh luôn thống nhất, đoàn kết, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, nhất quán các chủ trương, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo một cách tập trung, quyết liệt, kiên trì theo đuổi các mục tiêu, kế hoạch đề ra, tất cả đều vì lợi ích cao nhất, là lợi ích của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân.
Thứ hai, quan tâm lãnh đạo toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QPAN nhưng luôn xác định có trọng tâm, trọng điểm theo từng mục tiêu, nhiệm vụ then chốt ở từng thời điểm cụ thể; vừa giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc nảy sinh, vừa bảo đảm các mục tiêu chiến lược, dài hạn.
Thứ ba, phương pháp lãnh đạo, quản lý có nhiều đổi mới, linh hoạt, đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hợp với ý Đảng, lòng dân, trên cơ sở sâu sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến đóng góp và tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Tăng cường phân cấp, giao quyền cho cấp dưới để phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của từng cấp, ngành, từng địa phương.
Thứ tư, tập trung lãnh đạo phát triển KT-XH nhưng luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái trong Đảng, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra trên các lĩnh vực để chủ động phòng ngừa sai phạm, xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời các sai phạm xảy ra.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế đang cản trở, làm “chậm” lại sự phát triển của địa phương, đó là: Kinh tế tăng trưởng nhưng năng suất lao động còn thấp; năng lực sản xuất kinh doanh của DN địa phương còn yếu, thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu vẫn là sản xuất gia công, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp; hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu và yếu; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn lỏng lẻo, còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng vi phạm về đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thủ tục hành chính còn phiền hà, dễ phát sinh tiêu cực; đạo đức xã hội một số nơi có biểu hiện xuống cấp, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, đào tạo nghề nhìn chung còn chưa đáp ứng được yêu cầu; tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy tổ chức Đảng còn yếu, còn tình trạng lười học tập, nghiên cứu lý luận, ứng dụng thực tiễn còn xơ cứng, máy móc, bệnh cá nhân, tư duy kinh nghiệm….
Với mục tiêu trở thành một tỉnh phát triển mạnh, toàn diện và vững chắc trong những năm tới, Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định chủ đề của Đại hội là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh; phát huy truyền thống văn hóa, sức mạnh toàn dân; đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước vào năm 2025". Đồng thời, đưa ra một số chủ trương, định hướng lớn như sau:
(1) Tập trung phát triển toàn diện kinh tế cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy. Phát triển đồng bộ và hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường; giữa các vùng, khu vực, các địa phương, bảo đảm những lợi ích thiết thực và công bằng cho mọi người dân.
(2) Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu nội ngành, cơ cấu giữa các ngành một cách phù hợp bảo đảm tham gia vào sự tăng trưởng chung của kinh tế địa phương. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, nhất là đất đai, tài nguyên nước, rừng, khoáng sản,... gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
(3) Chú trọng đầu tư, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề đáp ứng cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động. Có các biện pháp căn cơ để giải quyết những vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp, như: Vấn đề nhà ở, các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, vấn đề quản lý người nước ngoài, vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tình hình an ninh trật tự,...
(4) Đề cao sự tuân thủ pháp luật, củng cố và tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý và điều hành theo pháp luật của cơ quan nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề cao quyền lực người dân trong kiểm soát hoạt động và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực thi nhiệm vụ. Phát huy cao độ quyền dân chủ nhân dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
(5) Tăng cường củng cố QPAN, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa và đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, tội phạm có tính chất xã hội đen và các loại tệ nạn xã hội... Xây dựng địa phương có môi trường an ninh an toàn, tạo niềm tin trong nhân dân cũng như môi trường đầu tư và kinh doanh cho các thành phần kinh tế.
(6) Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò, trí tuệ tập thể, bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng trên các mặt của đời sống xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, huy động sức mạnh toàn dân, củng cố vững chắc mối quan hệ gắn bó và lòng tin của nhân dân với Đảng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, được toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quan tâm, hướng về Đại hội với niềm tin tưởng sâu sắc và đặt rất nhiều kỳ vọng. Chúng ta tin tưởng rằng, với tất cả tinh thần “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo”; toàn Đảng bộ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách; vững vàng bước vào một thời kỳ mới, phát triển toàn diện và vững chắc hơn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra, sớm đưa Bắc Giang nằm trong 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu của cả nước.
Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)