Bắc Giang: Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp xây dựng dự thảo Luật Đất đai
Nhiều điểm mới
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa được các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các nhóm giải pháp và chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Dự thảo Luật sửa đổi có nhiều điểm mới. Cụ thể như đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
Quang cảnh buổi lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất; mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, các quy định trong Luật sửa đổi cũng quy định việc quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế...
Đồng chí Lê Ô Pích phát biểu tại hội nghị. |
Do đó, định hướng tại hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên đặc biệt vô cùng quý giá của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Tính chất đặc biệt này của đất đai đã được quy định trong Hiến pháp.
Thực tiễn tại Bắc Giang những năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của nhận định trên, xác lập vị trí đặc biệt của vấn đề đất đai trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ thu hút đầu tư, thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới... Tuy nhiên, cũng vì tính chất đặc biệt này mà mọi vấn đề liên quan đến đất đai đều rất phức tạp, chi phối bởi các quan hệ lợi ích sâu xa, đan xen, có tác động lẫn nhau, đòi hỏi các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp (DN) phải có một tư duy đúng đắn và nhìn nhận vấn đề một cách hết sức tổng thể, sâu sắc.
Lãnh đạo Sở Tư pháp góp ý vào dự thảo Luật. |
Tính đến nay, Luật Đất đai năm 2013 đã đi vào cuộc sống được hơn 8 năm và cho thấy nhiều thành tựu hết sức tiến bộ. Tuy nhiên, dù đã mang lại được những kết quả nhất định, Luật Đất đai hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế. Xác định vai trò, tầm quan trọng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND tỉnh đã chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân. Trong khuôn khổ hội nghị này, đồng chí mong muốn các đại biểu đóng góp các ý kiến xác đáng, khả thi cao góp phần giúp UBND tỉnh xây dựng được báo cáo chất lượng gửi Chính phủ.
Thảo luận sâu về khung giá đất, thu hồi đất
Vấn đề được các đại biểu góp ý, thảo luận sâu là việc xác định khung giá đất, thu hồi đất. Đây là nội dung liên quan mật thiết với các địa phương khi Luật có hiệu lực.
Về nguyên tắc, phương pháp xác định khung giá đất, dự thảo quy định: “Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường" song nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ giá đất phổ biến trong điều kiện bình thường là như thế nào?
Lãnh đạo UBND TP Bắc Giang góp ý vào dự thảo Luật. |
Hiện chưa có công cụ quản lý, cơ sở dữ liệu nào có thể xác định giá đất giao dịch thực tế thông qua chuyển nhượng trên thị trường mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến. Vì vậy, đề nghị có quy định rõ, cụ thể hơn. Nhà nước nên có công cụ, phương án (lập sàn giao dịch) để quản lý giá đất, quản lý thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trước khi giao dịch công chứng, chứng thực, theo đó cơ sở dữ liệu giá đất được cập nhật thường xuyên.
Cũng cần giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn về việc thu hồi đất bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Vì phong tục, tập quán mỗi nơi, mỗi khác và khó đánh giá thế nào là tốt hơn.
Về việc quyết định giá đất, dự thảo quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất...; UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hội đồng thẩm định bảng giá đất gồm đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm chủ tịch hội đồng. ...; kết quả thẩm định giá đất của hội đồng là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định bảng giá đất, giá đất cụ thể. Qua nghiên cứu, một số đại biểu đề xuất điều chỉnh theo hướng cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh - độc lập với UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể và được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để tư vấn, xác định bảng giá đất, giá đất cụ thể.
Dự thảo chưa có quy định để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên theo như tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW. Do đó sẽ khó tránh khỏi tình trạng xác định giá đất không sát với giá thị trường. Đề nghị quy định ngay trong luật về phương pháp định giá đất để bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ; quy định về thời gian được sử dụng quyết định phê duyệt giá đất, có quy định trong việc xác định giá đất công ích, quy trình thủ tục đấu giá đất công ích.
Trên thực tế, việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng, thuê đất phụ thuộc vào mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, diện tích sử dụng đất… khi giao đất, cho thuê đất. Theo đó, thời điểm để xác định giá đất như trong dự thảo là phải thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đích, công nhận quyền sử dụng đất... không quá 6 tháng là không khả thi, đề nghị xem xét quy định thời điểm xác định giá đất là tại thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất.
Liên quan đến thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách, dự thảo quy định: "Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng". Như vậy các dự án tạo quỹ đất không do Nhà nước trực tiếp đầu tư thì chủ đầu tư phải tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất mà Nhà nước không thu hồi đất.
Điều này sẽ gây khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách. Hiện nay, Bắc Giang có hàng trăm dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở do DN làm chủ đầu tư . Vì vậy, cần xem xét, điều chỉnh quy định nội dung này để phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị, dân cư và xem xét kỹ quy định chuyển tiếp khi Luật Đất đai mới được thông qua.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản tỉnh tham gia góp ý. |
Về thực hiện dự án bất động sản, dự thảo quy định chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết 1/500 đối với toàn bộ dự án mới được chuyển nhượng.
Tuy nhiên, trên thực tế dự án đầu tư thường được phân chia thành các giai đoạn thực hiện, nếu phải hoàn thành toàn bộ dự án mới đủ điều kiện chuyển nhượng sẽ khó khăn cho nhà đầu tư. Vì vậy nên cho phép chuyển nhượng phân kỳ dự án.
Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến về tài chính đất đai, giải quyết tranh chấp liên quan đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích lưu ý, đất đai liên quan đến tất cả các lĩnh vực của các địa phương trên cả nước. Từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai phát sinh nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa để theo kịp xu thế phát triển.
Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị đã hoàn thành các nội dung và nhận được hàng chục ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, chọn lọc các ý kiến bảo đảm có tính tổng thể, những vấn đề lớn, "nóng" được nhân dân, cử tri quan tâm; khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ trước ngày 25/3 theo quy định.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)