Bắc Giang là 1 trong 5 địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất Việt Nam năm 2022
1. Khánh Hoà
Theo thông tin tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Khánh Hoà, GRDP Khánh Hòa ước tăng 20,7% trong năm 2022 so với cùng kỳ, sau 2 năm tăng trưởng âm, do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cao nhất cả nước.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết năm 2023, tỉnh phấn đấu GRDP tăng 8,7%, GRDP bình quân đầu người 84,8 triệu đồng/người. Thu ngân sách 15.445 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 71.300 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Đối với các chỉ tiêu xã hội, Khánh Hòa sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, ước đạt 0,56%. Số lao động có việc làm tăng thêm trong năm khoảng 11.500 người. Số giường bệnh đạt 36 giường/10.000 dân, có 11,5 bác sĩ/10.000 dân.
Để chủ động đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, dựa trên tình hình thực tế, UBND tỉnh đã đưa ra 3 kịch bản dự báo mức tăng trưởng kinh tế từ năm 2023 đến 2025. Kịch bản thứ nhất, nếu tình hình kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng ở một số nước lớn, giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, nhưng khi đầu tư công của tỉnh được đẩy mạnh, một số dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp được hoàn thành… thì dự kiến giai đoạn 2023 - 2025, GRDP của tỉnh ước tăng 8,3%/năm.
Kịch bản thứ hai, trong trường hợp kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; đầu tư công của tỉnh tăng trưởng cao; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được triển khai đầu tư xây dựng; thu hút đầu tư được đẩy mạnh sau khi các quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt; các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu du lịch đạt kết quả tốt thì GRDP của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 ước tăng 9,5%/năm.
Kịch bản thứ ba, nếu tình hình hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hoàn thành và lấp đầy; đặc biệt, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và Khu kinh tế Vân Phong đạt kết quả cao, một số dự án về cảng biển, logistics được hoàn thành…, GRDP của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 ước tăng 10,3%/năm.
2. Bắc Giang
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang năm 2022 ước đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước.
Sang đến năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu hoàn thành 18 chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng GRDP đạt 14,5%, phấn đấu duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 3.850 USD; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021 - 2026) còn 3%; thu ngân sách trên địa bàn trên 15.000 tỷ đồng; huy động vốn toàn xã hội 88,6 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%...
3. Đà Nẵng
Mặc dù trong năm 2022, Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nội tại và những bất ổn của tình hình thế giới, tuy nhiên thành phố đã có bước phục hồi khá mạnh mẽ và có tốc độ tăng trưởng tích cực.
Theo thông tin tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng sáng 13/12, năm 2022, GRDP thành phố này ước tăng 14,05% trong năm 2022, vượt xa so với mục tiêu đề ra là 6-7%, đứng thứ ba cả nước về tốc độ tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, UBND thành phố cũng nhận định, những khó khăn hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023, cùng với dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội.
Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn... Trên cơ sở đánh giá này, UBND thành phố xác định định hướng phát triển kinh tế với mức tăng trưởng đối với tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2023 ước tăng 6,5-7%.
Mục tiêu tăng trưởng GRDP 2023 của 5 tỉnh, thành có tăng trưởng GRDP năm 2022 cao nhất cả nước
4. Hậu Giang
Năm 2022, Hậu Giang đã hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu rất trọng yếu như tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
Tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay, với 13,94%, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021).
Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của HĐND tỉnh Hậu Giang, tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người, tương đương 3.024 USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1.140 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.518 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 20.500 tỷ đồng...
5. Hưng Yên
Năm 2022, Hưng Yên có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,4%, cao nhất trong 12 năm gần đây.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 102,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp, xây dựng 63,91%; thương mại, dịch vụ 28,60%; nông nghiệp, thủy sản 7,49%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,3 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng - đây cũng là mức cao kỷ lục của Hưng Yên.
Ngày 16/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XVII - kỳ họp thứ 11; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước ở địa phương năm 2023.
Theo đó, năm 2023, tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 112 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD; thu ngân sách đạt hơn 22,9 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương đạt hơn 20,1 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%...
Ý kiến bạn đọc (0)