Bắc Giang: Khắc phục khâu yếu trong quản lý di tích
Bảo vệ và nâng tầm điểm đến văn hóa, du lịch
Trên địa bàn huyện Yên Dũng có 82 di tích được xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Kem, 2 di tích quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh. Các di tích được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa; có ban quản lý bảo vệ di tích. Đến nay, 100% di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện được lập hồ sơ đo đạc bản đồ khoanh vùng bảo vệ, 55/82 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Di tích quốc gia đền thờ và mộ Hán quận công Thân Công Tài, xã Hồng Thái (Việt Yên) vừa được tu bổ, tôn tạo. |
Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, khảo sát, kịp thời có kế hoạch tu sửa đối với những di tích xuống cấp. Tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp tại các di tích, nhà truyền thống; phổ biến kinh nghiệm bảo quản, phòng ngừa trộm cắp cổ vật; hướng dẫn quy trình tu bổ di tích...
Tại huyện Việt Yên, từ năm 2016 đến nay, huyện dành gần 200 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích; đề nghị UBND tỉnh đưa 18 di tích vào danh sách hỗ trợ kinh phí tu bổ giai đoạn 2020 - 2025. Tại di tích quốc gia đền thờ và mộ Hán quận công Thân Công Tài ở thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, việc quản lý, bảo vệ di tích được xã, thôn luôn chú trọng. Công trình vừa được tu bổ và hoàn thành với nhiều hạng mục như đền thờ, mộ, thủy đình, cổng tam quan, hồ, khuôn viên, nhà ban quản lý. Theo đồng chí Trần Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, Trưởng Ban Quản lý di tích, hằng ngày, khu di tích đều có người trông coi, vệ sinh, được trang bị bình chữa cháy, sắp tới sẽ lắp thêm camera giám sát.
Toàn tỉnh hiện có hơn 700 di tích được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 100 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử- văn hóa đã xếp hạng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; công trình tín ngưỡng, tôn giáo có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hỗ trợ tu bổ di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh thẩm định 137 hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích. Năm 2019 và 2020, UBND tỉnh hỗ trợ tôn tạo 70 di tích tại các huyện, TP với kinh phí 30 tỷ đồng.
Ngoài đầu tư của nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác tôn tạo, bảo vệ di tích được các địa phương quan tâm. Nhiều di tích được tu bổ với nguồn kinh phí lớn, trong đó có sự đóng góp, ủng hộ không nhỏ từ các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, con em thành đạt làm ăn xa quê.
Thông qua việc quản lý, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ đã góp phần chống xuống cấp, bảo đảm tính nguyên gốc của di tích, tạo cảnh quan sạch đẹp, đồng thời có giá trị phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, du khách. Một số di tích quốc gia đặc biệt trở thành điểm nhấn du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch, như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), chùa Bổ Đà (Việt Yên); Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế…
Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước
Công tác quản lý nhà nước đối với các di tích được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Mặc dù vậy, việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích ở một số địa phương thời gian qua chưa nghiêm; hoạt động tu bổ di tích không đúng với văn bản thỏa thuận hay tình trạng tự ý tu bổ, tôn tạo di tích khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền vẫn xảy ra.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phục hồi đối với 66 di tích trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, một số ban quản lý di tích chưa thống kê số hiện vật có trong di tích; công tác phòng, chống mất cắp cổ vật, hiện vật chưa được quan tâm đúng mức. |
Có nơi chính quyền cơ sở khoán trắng việc quản lý cho cộng đồng nơi có di tích (chi hội người cao tuổi ở thôn, tổ dân phố). Tình trạng tự ý đưa các hiện vật do người dân, nhà hảo tâm cung tiến vào di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền hoặc không phù hợp với nơi thờ cúng, tâm linh vẫn còn.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phục hồi đối với 66 di tích trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, một số ban quản lý di tích chưa thống kê số hiện vật có trong di tích; công tác phòng, chống mất cắp cổ vật, hiện vật chưa được quan tâm đúng mức.
9 di tích được kiểm tra có hạng mục tu bổ, tôn tạo nhưng không chấp hành các quy định về thẩm quyền, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương lập dự án tu bổ di tích, như: Lăng mộ tiến sĩ Đào Toàn Bân, xã Song Khê (TP Bắc Giang), đình Bằng Cục, xã Ngọc Châu (Tân Yên); chùa Y Sơn, xã Hòa Sơn, đình Ngũ Phúc, xã Châu Minh, chùa Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa); chùa Cảnh Sơn, xã Hương Gián (Yên Dũng).
Nguyên nhân chính của những hạn chế, yếu kém là do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý di tích. Chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của cán bộ quản lý di tích ở cơ sở còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hoạt động của một số ban quản lý di tích cơ sở còn mang tính hình thức, kém hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích chưa thường xuyên, kiên quyết, triệt để.
Đồng chí Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tới, Sở tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Hướng dẫn củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban quản lý di tích cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và các địa phương trong công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội để tu bổ, tôn tạo các di tích; quản lý và sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa công khai, minh bạch, đúng mục đích. Cùng đó, Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại di tích.
Ý kiến bạn đọc (0)