Bắc Giang: Gần 58 nghìn cán bộ, đảng viên học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII)
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng; các đồng chí cán bộ chủ chốt các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong toàn hệ thống chính trị.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; các đồng chí Tỉnh ủy viên; trưởng, phó các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh; Ủy viên UBKT Tỉnh ủy; báo cáo viên cấp tỉnh; giảng viên Trường Chính trị tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh... Toàn tỉnh có 238 điểm cầu trực tuyến với gần 58 nghìn cán bộ, đảng viên tham dự.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư trình bày Chuyên đề về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Trong đó, khái quát những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới”.
Đồng chí thông tin, Ban Chấp hành T.Ư đã nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết với mục tiêu tổng quát là: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, Nghị quyết xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Đảng, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp; đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc để đạt được các mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị
Trình bày Chuyên đề về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết: Ban Chấp hành T.Ư đã thống nhất cao cho rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, T.Ư đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Nghị quyết đặt ra 3 mục tiêu cụ thể là: Tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới. Giữ vững nguyên tắc của Đảng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật và các văn bản dưới luật; tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp. Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ T.Ư đến cơ sở.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội.
Theo Chương trình, ngày mai (6/12) Hội nghị tiếp tục truyền đạt các chuyên đề về: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tin, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)