Bắc Giang: Đồng hành, hỗ trợ công nhân vượt qua đại dịch
Nhiều công nhân gặp khó
Chiều 20/5, cùng tổ công tác của UBND xã Hồng Thái (Việt Yên), chúng tôi có mặt tại thôn Hùng Lãm 1 - địa phương có số công nhân ở trọ đông nhất xã để rà soát, lên danh sách những công nhân đang ở trọ tại đây. Ghé vào phòng trọ của anh Đặng Văn Nam (SN 1999), quê ở thôn Cẩm Lự 2, xã Thanh Cẩm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), công nhân Công ty TNHH Newing (KCN Vân Trung), chúng tôi cảm nhận được những khó khăn vợ chồng anh đang phải đương đầu.
Các thành viên trong gia đình anh Đặng Văn Nam tại phòng trọ. |
Trong căn phòng trọ chật chội, hai vợ chồng cùng người mẹ từ quê ra đang chăm sóc cô con gái mới gần 6 tháng tuổi. Theo lời anh Nam, vợ chồng anh đến Việt Yên làm công nhân được hơn hai năm. Từ khi vợ sinh con, một mình anh đi làm để lo cho 4 người trong gia đình. “Ngay khi có thông tin tạm nghỉ việc, phải ở lại phòng trọ, tôi tranh thủ mua một chút đồ thiết yếu và tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Chúng tôi được thôn hỗ trợ gạo, rau xanh song việc mua sắm một số đồ cho con nhỏ khó khăn hơn”, anh Nam chia sẻ.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Việt Yên, qua rà soát, thống kê, toàn huyện hiện có hàng chục nghìn lao động ngoài tỉnh đang ở những khu nhà trọ tại các xã, thị trấn ven KCN. Trao đổi với một số công nhân được biết, từ ngày dịch bùng phát trở lại, họ không được đi làm, chỉ loanh quanh tại nơi ở. Những ngày đầu, họ dùng số tiền ít ỏi của tháng lương trước để mua các vật dụng cần thiết song cũng gặp nhiều khó khăn.
Tổ công tác của xã Hồng Thái rà soát, lập danh sách công nhân đang ở trọ tại địa bàn. |
Trường hợp của chị Cung Thị Quỳnh (SN 1985) ở xã Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) là một ví dụ. Trước đây, hằng ngày chị đi làm, ăn hai bữa tại công ty nên không mua sắm các vật dụng để nấu cơm. Khi dịch bùng phát, vốn thu nhập không cao nay chị lại phải nhờ chủ nhà mua giúp nồi cơm điện, bếp từ cùng xoong, nồi, bát đũa nên số tiền dành dụm được vơi đi đáng kể. “Hiện tại, được chính quyền địa phương hỗ trợ, cuộc sống của tôi cũng tạm ổn. Tuy nhiên, vài bữa nữa thì không biết xoay sở thế nào”, chị Quỳnh bộc bạch.
Cộng đồng, doanh nghiệp cùng chung tay
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Bắc Giang có 51.042 công nhân lao động của 54 doanh nghiệp (DN) phải nghỉ việc do cách ly hoặc tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch Covid-19, trong đó công nhân nghỉ việc tại các KCN: Vân Trung, Quang Châu và Đình Trám là 44.337 người. Ngay sau khi công nhân buộc phải nghỉ việc, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ. Tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng), cùng với tuyên truyền để công nhân chấp hành nghiêm quy định, Ban chỉ đạo xã vận động các DN, nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, rau xanh, mì tôm..., xây dựng các siêu thị “0 đồng”.
Một chủ nhà trọ tại huyện Việt Yên tiếp nhận, phân chia hàng nhận từ gian hàng "0 đồng" để phát cho công nhân thuê trọ. |
Tại huyện Việt Yên, trước mắt huyện hỗ trợ kinh phí đối với 100% công nhân, người dân trong diện phải đi cách ly tập trung; UBND huyện xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu, bảo đảm đời sống cho người dân nói chung, nhất là công nhân tại các địa bàn không còn đất sản xuất nông nghiệp nói riêng. Tại nhiều địa phương ven KCN, các gian hàng “0 đồng” cũng được hình thành.
Ghi nhận tại thôn Hùng Lãm 1, buổi sáng hằng ngày, thôn tập hợp các mặt hàng do người dân trong thôn đóng góp tại nhà văn hóa. Tổ thanh niên tình nguyện của thôn đến từng nhà trọ thông báo để công nhân đăng ký các mặt hàng, chủ nhà trọ sẽ thay mặt nhận, phát cho từng phòng.
Ông Thân Văn Tuy, Trưởng thôn Hùng Lãm 1 cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể cung cấp miễn phí các sản phẩm do người dân trong thôn làm ra như: Gạo, rau, quả; còn thịt lợn, trứng chỉ có thể mua hộ công nhân. Với những trường hợp không tổ chức nấu ăn, thôn lên danh sách, giao cho các đoàn thể tổ chức nấu, phát cơm (bữa trưa, tối). Tuy nhiên hoạt động này cũng chỉ duy trì được vài ngày nữa khi mà lượng thực phẩm có sẵn trong thôn đã gần hết”.
"Siêu thị 0 đồng" tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng). Ảnh: Anh Trung |
Trước những khó khăn của công nhân, ngày 20/5, UBND tỉnh thành lập Tổ hỗ trợ ổn định đời sống cho công nhân ngoài tỉnh đang ở trọ trên địa bàn trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid. Theo đó, các thành viên trong tổ sẽ nắm bắt, lên phương án kêu gọi tài trợ, từ đó tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện. Trước mắt, từ nguồn hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh có kế hoạch hỗ trợ mỗi công nhân 5 kg gạo (tổng khoảng 200 tấn); hỗ trợ mỗi trường hợp F0 là 2 triệu đồng, F1 là 500 nghìn đồng.
Ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ ổn định đời sống cho công nhân ngoài tỉnh đang ở trọ trên địa bàn trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid cho biết: “Trước mắt, Tổ sẽ tiến hành ra soát các đối tượng trong diện hỗ trợ từ đó huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ tiền mua nhu yếu phẩm hằng ngày cho công nhân. Cùng với đó, chúng tôi sẽ vận động các chủ DN thực hiện nghiêm quy định, bảo đảm lương tối thiểu vùng cho người lao động khi nghỉ chống dịch; vận động các chủ nhà trọ giảm giá nhà trọ, vệ sinh khử khuẩn, bảo đảm an toàn cho công nhân”
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)