Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chung tay xây dựng châu Á trong kỷ nguyên hậu Covid-19
Đoàn Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26. |
Hội nghị quốc tế về Tương lai Châu Á là một trong những diễn đàn đối thoại chính sách hàng đầu ở châu Á do hãng thông tấn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức hàng năm từ 1995 với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp và học giả các nước châu Á và quốc tế. Hội nghị năm nay còn có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào; Tổng thống Sri Lanka; Thủ tướng Campuchia; Thủ tướng Malaysia; Thủ tướng Nepal; Thủ tướng Pakistan; Thủ tướng Thái Lan; Phó Thủ tướng Singapore... Hơn 500 đại biểu là doanh nghiệp, học giả, đại diện bộ, ngành của Nhật Bản và các nước, cùng đại diện tổ chức khu vực, quốc tế tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong bối cảnh mới; các nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo ở khu vực; các thách thức truyền thống và phi truyền thống mà châu Á đang phải đối mặt, các giải pháp kiến tạo kỷ nguyên mới sau đại dịch nhằm bảo đảm xu thế chủ đạo là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của châu lục. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về việc tái kết nối khu vực thông qua giao lưu văn hóa, giao lưu con người; tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực; những lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong kỷ nguyên Covid-19; vai trò của châu Á trong tiến trình phục hồi và duy trì động lực phát triển của kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu sắc, mạnh mẽ, khó lường đến cục diện thế giới, khu vực cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mẫu thuẫn, bất đồng, đoàn kết thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng để vượt qua đại dịch. Thủ tướng nhấn mạnh hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt, giải pháp đặc biệt; châu Á cần một khung khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai, cùng nhau “Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu Covid-19”.
Với quan điểm như vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác để các nước chia sẻ, cùng “Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu Covid-19”. Năm phương châm bao gồm: Phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng, tự lực tự cường; củng cố hợp tác quốc tế; lấy con người làm trung tâm; lấy những giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng; lấy khó khăn thách thức làm động lực vươn lên.
Sáu nội dung hợp tác bao gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao để kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tạo đột phá chiến lược về dài hạn; thúc đẩy tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư, hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đưa công nghệ số, chuyển đổi số trở thành động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu Covid-19; thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch; tăng cường phối hợp xử lý đại dịch Covid-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai; Bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển là điều kiện tiên quyết cho phục hồi, phát triển thịnh vượng sau đại dịch.
Thủ tướng cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, các nước cần đóng góp có trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Các tranh chấp, bất đồng liên quan vấn đề Biển Đông cần được giải quyết bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ, hiệu quả DOC và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán COC sớm đạt hiệu quả; duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Việt Nam tham gia có trách nhiệm, sẵn sàng cùng các nước vun đắp cho hòa bình, ổn định, phát triển và tình đoàn kết; vì lợi ích chung, sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia, trong khu vực; vì sự ấm no, hạnh phúc của mọi người dân trên toàn thế giới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời cảm ơn tới các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản đã hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam trong thời gian qua, nhất là tích cực hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19, khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán, thiên tai; chia sẻ với Hội nghị nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 và thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian qua. Thủ tướng nêu bật các biện pháp quyết liệt, kịp thời trong việc thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh.
Thủ tướng cũng giới thiệu những điểm chính trong quan điểm của Việt Nam về phát triển, như: Phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo đảm phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; hoàn thiện thể chế phát triển một cách đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tối đa giá trị con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, tích cực hội nhập, nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng của nền kinh tế; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không ngừng phát huy những kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển dựa trên ba trụ cột chính là chiều sâu của bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng dân tộc, giá trị con người và tài nguyên thiên nhiên. Thị trường 100 triệu dân năng động, tiềm năng của Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, chính sách, hạ tầng, vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, xã hội, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được Hội nghị rất chú ý và đánh giá cao. Lãnh đạo cấp cao các nước quan tâm chia sẻ, đồng tình ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, đặc biệt là các định hướng quan trọng để châu Á phục hồi kinh tế và định hình vai trò, vị thế của mình trong giai đoạn mới của thế giới. Các doanh nghiệp Nhật Bản, quốc tế bày tỏ quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của thị trường Việt Nam và cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)