Âm vang chiến thắng bên dòng sông Chũ
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, với âm mưu chiếm nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã vi phạm trắng trợn nhiều điều khoản ký kết với Chính phủ Việt Nam. Chúng chiếm đóng nhiều nơi ở miền Bắc trong đó có huyện Lục Ngạn.
Tháng 10/1946, trước khi có "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch, nhân dân Nam Dương đã tiến hành rào làng chiến đấu bằng tre gai, mỗi gia đình ủng hộ một gánh tre; xây dựng những chiếc sang kiên cố làm nơi trú ẩn. Sang được xây dựng hai tầng bằng đá, cánh cửa gỗ lim dày, vừa là nơi luyện quân, vừa là cơ sở hậu cần.
Cùng đó công tác tuyên truyền, vận động nhân dân “tiêu thổ kháng chiến”, ngăn cản bước tiến của quân địch, không cho xe cơ giới của chúng đến tàn phá làng mạc được thực hiện sâu rộng trong mỗi xóm, làng.
Cụ Nguyễn Thị Pháo - nhân chứng duy nhất còn lại ở Nam Điện trong trận chống càn năm 1947. |
Xã Nam Dương khi ấy có 4/6 làng thuộc vùng tề kiểm soát, chỉ có hai làng (Biềng và Nam Điện) thuộc vùng tự do, cũng là căn cứ kháng chiến nên địch thường xuyên tổ chức tấn công. 73 năm trước, Nam Điện còn heo hút, rừng cây phủ kín, cả làng chỉ có khoảng ba chục hộ với hơn trăm người thuộc 3 dòng họ Thân, Nguyễn, Mạc chung sống đoàn kết bảo vệ nhau như ruột thịt. Dân quân du kích ngày nào cũng tập luyện, phong trào cách mạng, khí thế của người dân lên như diều gặp gió.
Nhờ sự chủ động nên đầu năm 1947, hơn 100 tên địch có cả lính Âu Phi và thổ phỉ từ thị trấn Chũ tiến vào phá làng. Lực lượng du kích đã dũng cảm chiến đấu chặn đứng các cuộc càn quét, tiêu diệt 38 tên phỉ và 4 lính Âu Phi, thu 21 khẩu súng và nhiều đồ dùng quân sự của địch, góp phần cùng quân dân bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng.
Với âm mưu tiêu diệt căn cứ kháng chiến của ta, rạng sáng ngày 13/5/1947, quân Pháp lại sử dụng một đại đội lính Lê Dương và hơn 100 tên phỉ với máy bay đại bác, súng máy yểm trợ càn vào Nam Điện. Tiếng súng máy rền vang từ hai gọng kìm của địch như xé toang khung cảnh yên bình của vùng tự do. Với sự chủ động, cảnh giác, lợi dụng địa hình hiểm trở kết hợp với chông mìn, cạm bẫy và sự mưu trí, dũng cảm, lực lượng du kích đã ngoan cường chiến đấu trong khoảng 10 tiếng đồng hồ, buộc địch phải bỏ chạy, để lại 62 xác chết, trong đó 27 lính Pháp cùng tên quan hai.
Trận đánh đó càng sinh động hơn khi tôi được nghe cụ Nguyễn Thị Pháo - nhân chứng duy nhất còn lại ở Nam Điện trong trận chống càn năm ấy kể lại. 90 tuổi rồi mà cụ vẫn nhớ rõ nhiều chi tiết. “Buổi sáng hôm ấy, nghe tiếng trống báo động, cả làng chạy hết vào sang trú ẩn. Tôi lúc ấy mới 17 tuổi, chả sợ súng, không ngại địch nên xin được đi theo nấu cơm phục vụ du kích. Nhìn thấy mấy thằng Tây mũi lõ ló mặt, tôi lặng lẽ chỉ điểm cho quân ta “Cậu ơi, cậu ơi Tây kìa, bắt nó đi”. Rồi những chi tiết như đứng trên đồi Mả Lâm người dân nhìn thấy giặc đi qua nên bắn cảnh cáo. Giặc tưởng bộ đội chính quy mang theo vũ khí hiện đại nên hoảng hốt bỏ chạy, phân tán lực lượng.
Xã Nam Dương trù phú hôm nay. |
Nghe cụ Pháo kể, tôi như được thấy hình ảnh của những lão du kích một mặt hiên ngang đứng giữa làng để báo động cho dân làng chạy giặc; một mặt chiến đấu ngoan cường, súng kíp bắn đạn chì đọ với súng máy của giặc mà vẫn chiến thắng oanh liệt. Trận chống càn thắng lợi đã làm nức lòng dân chúng, khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân toàn xã, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cờ với dòng chữ: “Kính tặng dân quân du kích và nhân dân Nam Điện đã lập chiến công ngày 13/5/1947”.
Năm 2010, Đảng bộ, Lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc xã Nam Dương được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân địa phương. Cựu chiến binh, thương binh chống Mỹ hạng ¾ Nguyễn Thanh Hải cho biết: Thủa thanh niên, tôi hay được các cụ kể cho nghe chuyện chống càn ở làng Nam Điện, tinh thần chiến đấu dũng cảm ấy đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để lên đường vào Nam chiến đấu với ba lần bị thương vào các năm 1967, 1972, bị ảnh hưởng chất độc da cam. Hay như cựu chiến binh Nguyễn Đình Sáo (thôn Hòn Tròn) tự hào: Tôi vào chiến trường chống Mỹ năm 1969, luôn mang theo bên mình “Lá cờ Nam Điện” để khích lệ tinh thần.
Trận đánh chống càn bên dòng sông Chũ lịch sử ấy nay đã qua 73 năm. Phát huy tinh thần kháng chiến, thế hệ con cháu hôm nay đã ghi danh những chiến công trên mặt trận mới - mặt trận xây dựng nông thôn mới. Đứng trên sân chùa Hàm Long - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tọa lạc trên một quả đồi cao, ngắm xung quanh thấy Nam Dương hôm nay đang sống trong một hình ảnh khác, tươi mới và khá giả. Đâu đâu cũng bát ngát bưởi cam, vải thiều trĩu quả, những vuông mì hong dưới nắng vàng, những ngôi nhà khang trang mái xanh mái đỏ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm. Toàn xã chỉ còn 46 hộ nghèo, bằng 2,14%, hộ cận nghèo 3,44%, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Bí thư Đảng ủy Bạch Quang Hào và Chủ tịch UBND xã Trình Văn Hùng phấn chấn: Với hơn 400 ha vải thiều nhiều năm tuổi, gần 1.000 ha cây có múi, 1.270 ha rừng; chăn nuôi ngoài những con truyền thống còn phát triển đàn hươu, đặc biệt nghề truyền thống làm mì với 152 lò tráng ngày đêm đỏ lửa, chùa Am Vãi - di tích lịch sử quốc gia, chùa Hàm Long- di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ,... chúng tôi xác định hướng đi của xã trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế rừng kết hợp giữa du lịch (nhất là du lịch tâm linh) và sản xuất hàng hóa, khai thác các dịch vụ đi kèm. Đây cũng là những tiền đề để xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2021.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)