Âm mưu dùng bom nguyên tử giải cứu Pháp tại Điện Biên Phủ của Mỹ
Bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Chiến thắng Điện Biên Phủ và sức lan tỏa
Cách đây 64 năm, Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” khiến thế giới kinh ngạc về kỳ tích một dân tộc “thuần nông” nhưng đã chiến thắng một đội quân viễn chinh hùng mạnh được trang bị tới tận răng. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa QĐNDVN và quân đội Liên hiệp Pháp. Đó là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 của dân tộc Việt Nam.
Bằng thắng lợi quyết định này, QĐNDVN do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5-1954, sau suốt 2 tháng giao tranh ác liệt mặc dù quân Pháp đã gia tăng lên đến con số hơn 16.000. Thực dân Pháp đã không thể bình định được Việt Nam bất chấp nhiều năm chiến đấu và sự hỗ trợ ngày càng gia tăng của Chính phủ Hoa Kỳ.
Cũng từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, các thuộc địa của Pháp ở Lục địa đen châu Phi được cổ vũ mạnh mẽ đồng loạt nổi dậy. Chỉ riêng năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp. Vì lý do này, Chiến dịch Điện Biên Phủ còn được xem là cú “sóng thần” cuốn sạch tham vọng của Pháp gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân nói chung sau khi Thế chiến II kết thúc.
Liên minh Pháp - Mỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Khi tình thế bi đát, nhất là khi Việt Minh tăng cường tấn công tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp cảm thấy bất ổn đã cầu cứu Mỹ. Ngày 20-3-1954, Tướng Paul Ely, Tham mưu trưởng quân đội Pháp đã tới Washington chính thức đề nghị Mỹ giúp để tiến hành cuộc ném bom ồ ạt xuống Điện Biên Phủ.
Theo cuốn “The sky would fall: Operation Vulture: the U.S. bombing mission in Indochina” (Bầu trời sẽ sụp: Chiến dịch Kền Kền - Sứ mệnh ném bom của Mỹ ở Đông Dương -1954) của sử học gia người Mỹ, John Prados thì thực tế Mỹ đã nhảy vào Đông Dương bằng nhiều hình thức, chi tới 80% chiến phí cho Pháp ở Đông Dương bằng cả máy bay, phi công để ném bom.
Hai phi công Mỹ McGovern và Buford chết trong trận Điện Biên Phủ được coi là những người Mỹ đầu tiên thiệt mạng tại chiến trường Việt Nam. Với Chiến dịch Kền Kền, Mỹ muốn giải vây quân Pháp tại Điện Biên Phủ hoặc tạo tình thế có lợi cho Pháp để đạt được thỏa thuận ngừng bắn giống Mỹ đã làm tại Triều Tiên nhằm giúp Pháp rút lui trong danh dự. Chiến dịch Kền Kền do Phó Tổng thống Mỹ lúc đó Richard Nixon nhiệt tình trong khi Tổng thống Eisenhower lại để ngỏ.
Ấn phẩm “Bầu trời sẽ sụp: Chiến dịch Kền Kền - Sứ mệnh ném bom của Mỹ ở Đông Dương”. |
Theo báo chí phương Tây, trong Chiến dịch Kền Kền, Mỹ sẽ tung 60 oanh tạc cơ chiến lược B-29 từ các căn cứ Mỹ trong khu vực để ném bom vào vị trí của Việt Minh quanh thung lũng Điện Biên, mỗi đêm sẽ ném dồn dập 450 tấn bom để phá vỡ vòng vây và phá hủy vũ khí của Việt Minh. Tướng Navarre đưa ra sáng kiến dùng phi công và máy bay Mỹ nhưng sơn cờ Pháp (để che mắt thiên hạ). Một trong những mối nguy hiểm của Chiến dịch Kền Kền của Mỹ là khả năng sử dụng bom hạt nhân nhưng may mắn thay, cuối cùng chiến dịch này đã thất bại do Quốc hội Mỹ không phê chuẩn.
Về phía quân đội, riêng Tham mưu trưởng Lục quân Matthew Ridgway phản đối quyết liệt, ông ta viện dẫn sự thất bại thảm hại từ cuộc hành binh Strangle (Bóp nghẹt) của Mỹ ở Triều Tiên nhằm tiêu diệt con đường tiếp tế, chứng minh sự hạn chế của những hành động bằng không quân trong loại hình chiến tranh này và nhấn mạnh những cuộc ném bom sẽ đưa Mỹ lún sâu vào một cuộc chiến tranh mới bằng bộ binh tốn kém mà không có lối thoát rõ ràng. Ý kiến của Ridgway được nhiều người tán đồng và Chiến dịch Kền Kền bị đình chỉ. Đáng tiếc, mười năm sau, cũng tại Việt Nam, Mỹ đã quên những kinh nghiệm này và tiếp tục phát động cuộc Chiến tranh Đông Dương lần hai.
Mỹ và âm mưu dùng bom nguyên tử để giải cứu Pháp tại Điện Biên Phủ
Kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 5-4-2014, hãng tin BBC (Anh) đã đăng tải bài viết đề cập tới âm mưu, Mỹ có ý định cung cấp 2 quả bom nguyên tử để giúp Pháp rút ra khỏi vũng lầy Điện Biên Phủ. Theo tác giả bài viết, Julian Jackson, vào đầu tháng 4-1954 khi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Georges Bidault đề nghị Mỹ giúp sức, trả lời câu hỏi này Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là John Foster Dulles hỏi thẳng "Ngài có muốn 2 quả bom nguyên tử ?”.
Câu hỏi này Mỹ đưa ra trong bối cảnh quân đội Pháp đang tuyệt vọng và mong muốn được Mỹ giúp đỡ. Theo tác giả, cha đẻ của đề xuất biếu Pháp 2 quả bom nguyên tử là các nhân vật phụ tá hiếu chiến nhất của Tổng thống Mỹ, gồm phó Tổng thống Richard Nixon và Đô đốc Radford, Tổng tham mưu liên trưởng, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles. Riêng Tổng thống Eisenhower như đề cập ở trên lại có phần không mặn mà nhưng Eisenhower lại lo ngại sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản tại khu vực Đông Nam Á .
Âm mưu của Mỹ dùng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có thật bởi ngay từ đầu năm 1954 Ngoại trưởng Dulles đã đưa ra khái niệm “trả đũa ồ ạt”, Mỹ sẵn sàng đáp trả đối phương tức thì bằng các phương tiện và tại các địa điểm mà Mỹ lựa chọn, ám chỉ việc Mỹ sẵn sàng dùng đến cả vũ khí hạt nhân, dùng máy bay B-29, B-36 và B-47 để thả xuống Điện Biên Phủ. Dựa trên các tài liệu giải mật của chính phủ, trong cuốn “Bầu trời sẽ sụp: Chiến dịch Kền Kền - Sứ mệnh ném bom của Mỹ ở Đông Dương”, John Prados đã cho độc giả biết Mỹ luôn sẵn sàng can thiệp vào Việt Nam bằng cả không lẫn lục quân trên quy mô lớn cũng như không loại trừ chiến tranh với Trung Quốc, trong đó nguy hiểm nhất là sẽ dùng hai quả bom nguyên tử để ném xuống Điện Biên Phủ giống như Mỹ đã từng làm với Nhật Bản hồi Thế chiến thứ II.
Cũng phải nói thêm rằng, trong Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ từng có động thái đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Sau này, khi chiến tranh Việt Nam bùng nổ, vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, Nixon cũng từng hung hăng và dọa sẽ dùng bom hạt nhân chiến thuật để đánh Việt Nam, bất chấp các nguyên tắc đạo đức và xem Việt Nam là một trong số mục tiêu hàng đầu cho bom nguyên tử Mỹ sau Nhật Bản.
Theo BBC, cũng trong thời gian nói trên (từ giữa tháng 4-1954) Việt Minh đã siết chặt vòng vây, khiến các âm mưu của Pháp và Mỹ không thể thực hiện được, thậm chí việc ném bom ồ ạt xuống Điện Biên Phủ còn gây tổn thất cả cho Pháp nữa, nhất là khi ném bom vào ban đêm. Cuối cùng, người Mỹ không làm gì để can thiệp vì người Anh từ chối tham chiến. Những tuần cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra hết sức ác liệt. Mặt đất trở thành sình lầy khi mùa mưa bắt đầu, binh lính bám trụ ở những hố bom hay chiến hào giống như trong trận chiến Verdun năm 1916 trong Đệ nhất Thế chiến. Vào ngày 7-5-1954, sau 56 ngày đêm bao vây, quân đội Pháp đã đầu hàng. Về phía Pháp có 1.142 người chết, 1.606 người mất tích, 4.500 người bị thương. Về phía Việt Minh, con số thiệt mạng lên đến 22.000 người.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam. Nó là nguồn cổ vũ cho các dân tộc khác chống thực dân. Tuy nhiên, ngay sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ đã xuất hiện dấu hiệu Pháp chuyển giao dần quyền lực ở Việt Nam cho Mỹ thông qua Ngụy quyền Sài Gòn. Bởi vậy chiến tranh giải phóng dân tộc vẫn còn tiếp diễn tại miền Nam Việt Nam. Mỹ không đếm xỉa bài học của Pháp tiếp tục thôn tính Việt Nam, tạo ra cuộc Chiến tranh Đông Dương lần II, thực chất vẫn là tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đoàn kết đồng lòng của dân tộc, 21 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc Việt Nam đã viết tiếp bài ca chiến thắng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Duy Hùng (theo Net/BBC/WO/CG)
Ý kiến bạn đọc (0)