Yên Thế: Xác định rõ nguồn gốc đất để xử lý vi phạm
Theo UBND xã Đồng Tâm và một số hộ dân liên quan, năm 1992, UBND tỉnh có chủ trương giao đất ở cho công nhân Nông trường Yên Thế. Năm 1993, UBND huyện Yên Thế giao 60 lô đất ở (diện tích 70 m2/lô) cho các hộ là cán bộ, công nhân Nông trường theo diện giao có thu tiền sử dụng đất (mỗi lô đất thu hơn 1 triệu đồng).
Nhiều công trình kiên cố được xây dựng trên phần đất trồng cây lâu năm tại xã Đồng Tâm (Yên Thế). |
Phần đất giao cho các hộ khi đó vốn là đất đồi trồng cam của Nông trường. Cùng thời điểm này, Nông trường Yên Thế cũng giao khoán phần đất đồi phía sau liền kề đất ở của các hộ cho tiện canh tác. Mỗi hộ nhận khoán khoảng 500-800 m2.
Khoảng năm 2006, Nông trường Yên Thế giải thể, 60 hộ dân nói trên vẫn sử dụng phần đất nhận khoán từ đó đến nay, không tranh chấp. Năm 2013, diện tích các hộ nhận khoán đã được UBND huyện cấp giấy CNQSD đất trồng cây lâu năm.
Quá trình sử dụng, hầu hết các hộ đã xây tường bao quanh 2 thửa đất và xây nhà, công trình phụ sang cả phần đất trồng cây lâu năm (hộ xây lấn sang ít nhất vài m2, nhiều hơn 160 m2). Trong số 60 hộ, có 42 hộ hiện thuộc địa giới thôn Liên Cơ, xã Đồng Tâm; 18 hộ thuộc tổ dân phố Hồi, thị trấn Phồn Xương.
Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 11/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường thanh, kiểm tra trong quản lý và sử dụng đất đai, UBND xã Đồng Tâm và thị trấn Phồn Xương đã thống kê, đưa vào danh sách vi phạm 60 hộ kể trên. Căn cứ đề nghị của các hộ và thực tế sử dụng đất, hai địa phương đã đề nghị UBND huyện, tỉnh xem xét có cơ chế giải quyết đặc thù cho các hộ.
Cụ thể là hợp nhất hai thửa đất giao cho các hộ vào một thửa, bao gồm cả đất ở và đất trồng cây lâu năm theo phương án: Đối với phần đất vi phạm tăng thêm, đề nghị giao đất có thu tiền tại thời điểm cấp đất ở năm 1992, diện tích từ 70 tăng lên 100 m2 (tăng 30 m2).
Các trường hợp vi phạm trên 100 m2, đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng phần vi phạm từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở và nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Đối với các trường hợp chưa xây dựng nhà ở hoặc đã xây dựng nhà nhưng dưới 70 m2 đề nghị được cấp tăng thêm như các hộ vi phạm (cấp thêm đủ cho 100 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm).
Trao đổi về nội dung này, ông Vũ Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: “Trường hợp của 60 hộ, cả diện tích đất được giao và nhận khoán, đã sử dụng từ trước khi Luật Đất đai 1993 ban hành, bao năm qua không tranh chấp với ai.
Đây là vụ việc đặc thù chỉ có ở Yên Thế, là tồn tại do lịch sử để lại. Hơn nữa, thửa đất các hộ được giao và nhận khoán có chiều ngang chỉ khoảng 6 mét, phía sau không có đường đi. Khu vực này cũng đã được quy hoạch đất ở. Để thuận tiện cho việc sử dụng, thiết nghĩ mong muốn của các hộ dân là chính đáng”.
Cùng quan điểm với UBND xã Đồng Tâm, UBND thị trấn Phồn Xương cũng đề nghị UBND tỉnh, huyện xem xét cho chủ trương hợp thức hoá phần các hộ vi phạm, hợp thửa đất và cấp giấy CNQSD đất cho các hộ thành 1 giấy. Trước đề nghị của UBND xã Đồng Tâm và thị trấn Phồn Xương, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện đã báo cáo UBND huyện, Sở TN&MT xem xét, hướng dẫn, có hướng giải quyết hợp lý, hợp tình.
Đối chiếu với quy định của Luật Đất đai năm 2013, các nghị định, thông tư liên quan và Quyết định 40/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở… điều kiện tách thửa, hợp thửa đất áp dụng trên địa bàn tỉnh, thì đất không cùng mục đích sử dụng không thể hợp nhất. Hơn nữa, quan điểm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh là nghiêm cấm việc hợp pháp hoá các vi phạm về đất đai".
Ông Lương Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Làm việc với phóng viên, ông Trần Hải Đăng, Bí thư Chi bộ thôn Liên Cơ, cũng là một trong 60 hộ được giao đất lo lắng: “Nếu Nhà nước không có cơ chế riêng mà kiên quyết xử lý vi phạm theo Chỉ thị 19, nhiều hộ chúng tôi sẽ rất thiệt thòi”.
Được biết, liên quan vụ việc này, lãnh đạo Sở TN&MT đã kiểm tra thực tế và hướng dẫn phòng chuyên môn huyện thực hiện các thủ tục theo quy định.
Về hướng giải quyết các vi phạm của 60 hộ dân xã Đồng Tâm và thị trấn Phồn Xương, ông Lương Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT khẳng định: “Đối chiếu với quy định của Luật Đất đai năm 2013, các nghị định, thông tư liên quan và Quyết định 40/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở… điều kiện tách thửa, hợp thửa đất áp dụng trên địa bàn tỉnh, thì đất không cùng mục đích sử dụng không thể hợp nhất. Hơn nữa, quan điểm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh là nghiêm cấm việc hợp pháp hoá các vi phạm về đất đai”.
Theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, các trường hợp vi phạm trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực (ngày 1/7/2014), nếu phù hợp quy hoạch sử dụng đất và các điều kiện liên quan, các hộ sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng phần đất vi phạm. Các trường hợp vi phạm sau thời điểm trên đều phải xử lý nghiêm theo quy định. Trường hợp vi phạm của 60 hộ dân xã Đồng Tâm và thị trấn Phồn Xương cũng không ngoại lệ.
Mục sở thị khu vực đất 60 hộ dân đang sử dụng nhận thấy, hầu hết các hộ đã xây nhà ở kiên cố, cao tầng. Trong số các hộ xây dựng công trình vi phạm có cả cán bộ, công nhân viên chức. Đáng chú ý, có hộ còn dành toàn bộ phần đất ở được giao phía trước để làm sân, xây nhà, công trình phụ trên phần đất trồng cây lâu năm phía sau. Trong các trường hợp vi phạm, một số nhà mới xây dựng vài năm trở lại đây (?!).
Được biết, hồ sơ về việc giao đất ở cho 60 hộ dân nói trên hầu như không còn lưu giữ tại xã, huyện. Một số hộ dân giữ được các quyết định giao đất riêng lẻ nhưng chỉ có năm, không ghi rõ ngày, tháng giao, không có số để lưu. Trên quyết định giao đất chỉ có tổng diện tích, số thửa, không ghi rõ vị trí giao.
Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của hộ dân và sự tôn nghiêm của pháp luật, cơ quan chuyên môn huyện Yên Thế cần tiếp tục thu thập thông tin, tài liệu liên quan, xác minh làm rõ nguồn gốc đất các hộ đang sử dụng để có hướng giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý.
Bài, ảnh: Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)