Yên Thế nhân rộng diện tích cây lâm nghiệp giống mới
Hiệu quả giống mới
Huyện Yên Thế (Bắc Giang) có hơn 12,6 nghìn ha rừng sản xuất, mỗi năm khai thác bình quân khoảng 800-850 ha, sản lượng gỗ đạt từ 55-60 nghìn m3. Với lượng khai thác trên, nguồn nguyên liệu không đủ cung cấp cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp Yên Thế khai thác tối đa tiềm năng đất rừng hiện có bằng việc thâm canh những giống cây mới, năng suất cao.
Năm 2013, 2014, UBND huyện đã giao cho Hạt Kiểm lâm huyện trồng rừng thực nghiệm thâm canh một số loại giống mới như: Keo lai KL2 xen cùng BV10, bạch đàn lai UP, PNCT3 xen cùng PN14 với tổng diện tích 12 ha (thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2019) để so sánh tính ưu việt của chúng.
Rừng bạch đàn PNCT3 của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế tại thôn Chiềng, xã Tiến Thắng. |
Theo cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế, chúng tôi đến gia đình ông Phạm Văn Mạnh, thôn Hố Luồng, xã Tiến Thắng, một trong những hộ tham gia trồng khảo nghiệm keo lai BV10. Cánh rừng keo xanh ngắt nổi bật giữa những vạt rừng bạch đàn đỏ. Do được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên mới 4 năm tuổi nhưng nhiều thân keo đã có vanh gốc 70cm, cao gần 20m; trữ lượng gỗ ước khoảng 100m3. Được biết, nếu 10 năm tuổi, sản lượng gỗ đạt tới 180m3. Lượng gỗ tăng hơn các giống keo khác khoảng 10m3/ha/năm (để thành rừng gỗ lớn hiệu quả hơn rất nhiều). Ông Mạnh nói trong niềm vui: “Với giá bình quân 2 triệu đồng/m3, 1 ha keo BV10 cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Hiện tôi đã trồng toàn bộ keo BV10 trên 3ha đất rừng của gia đình. Nhiều hộ trong thôn Hố Luồng cũng đã chuyển sang trồng keo lai BV10”.
Đầu năm 2013, 2014, một số gia đình ở xã Canh Nậu, Đồng Tiến, Xuân Lương… cũng tham gia trồng khảo nghiệm giống bạch đàn PNCT3. Tại những khu rừng, dễ dàng nhận thấy loại cây này bởi chiều cao vượt trội của chúng so với các giống khác. Do tán cây hình chóp cân đối, lá nhỏ, cành ngang nhỏ nên thân PNCT3 khá thẳng, vỏ nhẵn và có màu sáng hơn so với các giống bạch đàn khác. Mới trồng 4-5 năm song nhiều cây đã cao từ 20 - 25m. Giống cây này có nhiều ưu điểm: Không kén đất, tỷ lệ cây sống hơn 90%. Chu kỳ khai thác ngắn, từ 4 đến 5 năm, sản lượng gỗ đạt 120 đến 150/ha, năng suất gấp đôi so với giống PN14. Nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật với 1,1 nghìn cây/ha như diện tích rừng trồng khảo nghiệm của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế tại thôn Chiềng, xã Tiến Thắng, sau 5 năm, chỉ 3 cây PNCT3 đã đạt 1m3 gỗ, tương đương với 300m3/ha.
Mở rộng diện tích
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế cho biết, rừng sản xuất của huyện được trồng chủ yếu bằng hai loại bạch đàn và keo lai. Mặc dù bạch đàn có ưu điểm: Lên nhanh, sớm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc song qua nhiều chu kỳ khai thác, đất có hiện tượng suy thoái. Thêm vào đó, giống bạch đàn chủ lực PN14 được đưa vào canh tác từ nhiều năm trước, nay đã bị nhiễm bệnh, năng suất thấp (chỉ tính từ năm 2017 đến nay, Yên Thế có khoảng 2 nghìn ha bạch đàn PN14 bị nhiễm bệnh phải chặt bỏ).
Để thay đổi được ý thức người dân như hôm nay phải mất thời gian một chu kỳ trồng rừng kinh tế”.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế |
Kết quả của việc trồng rừng thực nghiệm thâm canh nêu trên đã mở ra hướng mới cho sản xuất lâm nghiệp ở Yên Thế. Trước đây, cán bộ Kiểm lâm đến từng chủ rừng vận động tham gia trồng khảo nghiệm giống mới gặp nhiều khó khăn bởi họ nghi ngờ nên không hợp tác.
Hiện nay, nhiều hộ dân đã chủ động đưa vào thâm canh các giống cây lâm nghiệp này. Hiện toàn huyện đã trồng hơn 6 nghìn ha keo lai BV10 và 7 nghìn ha bạch đàn PNCT3. Nhiều diện tích đã bắt đầu cho khai thác. “Để thay đổi được ý thức người dân như hôm nay phải mất thời gian một chu kỳ trồng rừng kinh tế”, ông Thành tâm sự.
|
Nhằm giúp người dân tiếp cận đúng với những giống cây lâm nghiệp mới, bảo đảm chất lượng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế đã có khuyến cáo đến các chủ rừng, những cây được chọn theo dòng keo lai gồm: BV10, BV32, BV33, BV73, AH1… tăng trưởng bình quân 15-20m3/ha/năm. Các dòng bạch đàn lai: PNCT3, Vĩ cự DH32-29, PN108, UP99, U6… tăng trưởng bình quân 20-30 m3/ha/năm, thâm canh cao có thể đạt năng suất 35-40m3/ha/năm.
Các giống cây này đã được kiểm nghiệm qua thực tế ở nhiều nơi. Chủ rừng nên sử dụng giống sản xuất từ nuôi cấy mô. Đối với bạch đàn chỉ nên trồng 1 đến 3 chu kỳ, sau đó chuyển sang trồng keo vào chu kỳ tiếp theo để cải tạo đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Các chủ rừng có thể tự gieo ươm giống, tuy nhiên vật liệu dùng để gieo ươm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Việc đưa các giống cây lâm nghiệp mới, năng suất cao vào thâm canh là cơ sở để Yên Thế sớm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020, đó là tăng mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 20-21 triệu đồng/năm trở lên.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)