Yên Dũng: Tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp
3/3 CCN cơ bản xây dựng xong hạ tầng
Ngay sau khi có Nghị quyết số 17, UBND huyện Yên Dũng đã xây dựng, ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm thu hút DN khảo sát, đầu tư. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, đến nay cơ bản 3/3 CCN đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng.
Công nhân Công ty TNHH Công nghệ Dehuida Việt Nam (CCN Nội Hoàng) làm việc tại dây chuyền sản xuất loa bluetooth. |
Cụ thể, CCN Nham Sơn-Yên Lư thu hút được 16 nhà đầu tư với diện tích đăng ký 22,4ha (88,68% quỹ đất); tổng vốn đăng ký hơn 893 tỷ đồng, 2 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động. CCN Yên Lư thu hút được 10 nhà đầu tư (ở giai đoạn thỏa thuận và ký hợp đồng nguyên tắc) với diện tích khoảng 20ha, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 54,6%; trong đó có 1 nhà đầu tư nước ngoài đã lập hồ sơ đề nghị thực hiện dự án với vốn đăng ký 65 tỷ đồng.
CCN Nội Hoàng đã thu hút 10 nhà đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy đạt 84,98%. Bà Trần Thị Thu, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Dehuida Việt Nam, DN 100% vốn Trung Quốc cho biết: "Công ty thành lập năm 2020 với ngành nghề sản xuất linh kiện điện tử (loa bluetooth). Tổng Giám đốc của chúng tôi thuê nhà xưởng tại CCN Nội Hoàng (Yên Dũng) vì nơi đây sở hữu vị trí đắc địa, giáp các KCN lớn của tỉnh. Đây còn là địa điểm thuận tiện cho giao thông, dễ dàng di chuyển đến các tỉnh, TP phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) và đặc biệt là cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Đầu tư vào đây, Công ty được chính quyền huyện và ngành chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, chỉ trong thời gian ngắn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; giá thuê nhà xưởng cũng hợp lý. Hiện Công ty tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 150 công nhân với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng".
Tại CCN Nội Hoàng còn có 9 nhà đầu tư trong nước đã ký hợp đồng thuê tổng diện tích đất 5,4 ha, trong đó 3 dự án đang xây dựng nhà xưởng. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN là Công ty CP thép Việt Úc trực tiếp đầu tư xây dựng 3 nhà xưởng để cho thuê với tổng diện tích đất 4,97 ha. Đã hoàn thành san nền, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, điện, chiếu sáng đạt 70%. Nhà máy xử lý nước thải đã vận hành đạt tiêu chuẩn môi trường.
Đối với KCN Yên Lư, cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất với diện tích 138,12 ha/170,73ha. Huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành của tỉnh tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ đề xuất dự án của các nhà đầu tư vào khu, CCN bảo đảm theo hướng có chọn lọc, ưu tiên dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm đất, ít gây ô nhiễm môi trường.
Điển hình là các dự án: Sản xuất sản phẩm phụ trợ phòng sạch Oritec Vina; film PVB Sơn Hà; sản xuất khay nhựa định hình và pallet gỗ phục vụ công nghiệp; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Youngjin; dự án Công ty Yonz Technology Co.,LTD của Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất khung nhôm cho tấm pin năng lượng mặt trời... Ước tính giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng của huyện bình quân đạt 18%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng đạt 79%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết.
Cải thiện môi trường đầu tư
Xác định thu hút đầu tư vào các khu, CCN đóng vai trò quan trọng, huyện Yên Dũng đã tạo sức hấp dẫn DN bằng nhiều biện pháp. Đó là hỗ trợ hạ tầng, nguồn nhân lực, bảo đảm môi trường ổn định, minh bạch, đồng thời hình thành quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; hỗ trợ thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, nguồn lao động.
Đặc biệt, huyện đã thu hút được một dự án nhà ở xã hội ở xã Nội Hoàng, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng và một dự án nhà ở xã hội ở thị trấn Nham Biền tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các khu, CCN tăng cường xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có năng lực, các dự án đầu tư sản xuất chất lượng, công nghệ hiện đại, tiết kiệm đất, đóng góp nhiều cho ngân sách. Lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Quan tâm thu hút các DN có khả năng liên kết, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển các DN khác trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên môi trường và bảo đảm tốt an sinh xã hội, an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chính quyền huyện tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đề ra các giải pháp đột phá hoặc tháo gỡ vướng mắc để tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Loại bỏ các thủ tục rườm rà, thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai”. Cùng đó đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch”. Huyện đã phối hợp với ngành điện lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện và các trạm điện đáp ứng nhu cầu điện năng, chống quá tải.
Từ năm 2021 đến nay đã xây mới 117 trạm biến áp công suất từ 180 kVA đến 320 kVA, trong đó xã Nội Hoàng 20 trạm để phục vụ sản xuất trong CCN Nội Hoàng và nhu cầu sử dụng điện trong các thôn có nhiều nhà trọ công nhân. Cải tạo, thay thế 1.086 cột điện; thay 59,5 km dây dẫn hạ thế bằng cáp vặn xoắn. Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ.
Lãnh đạo huyện cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư, cấp phép xây dựng, môi trường. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, từng bước đáp ứng được yêu cầu của DN. Phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh, các chủ đầu tư hạ tầng CCN tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp của huyện để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn...
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)