Xúc tiến tiêu thụ vải thiều: Hướng tới các thị trường tiềm năng
Vải thiều Bắc Giang được bán tại chợ đêm, thị Bằng Tường (Trung Quốc). Ảnh tư liệu. |
Đáp ứng quy định trong xuất khẩu
Từ ngày 1-4, doanh nghiệp (DN) khi xuất khẩu hoa quả Việt Nam vào tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi xin cấp phép liên quan. Có nghĩa là sản phẩm phải có tem truy xuất nguồn gốc, nếu không sẽ bị loại bỏ. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh, thông tin này tác động lớn đến công tác tiêu thụ vải thiều của tỉnh. Bởi lẽ, sản lượng quả vải Bắc Giang xuất sang Trung Quốc mỗi năm qua cửa khẩu tỉnh Quảng Tây chiếm phần lớn.
Nắm rõ những khó khăn, Sở đã tổ chức buổi làm việc với các ngành, địa phương, DN liên quan để chủ động triển khai thực hiện. Theo đó, năm nay tỉnh ưu tiên tổ chức trước hội nghị tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây vào cuối tháng 5. Hoạt động này không chỉ giúp người dân nước bạn hiểu hơn về vải thiều Bắc Giang mà còn là dịp tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương. Bằng Tường có nhiều cửa khẩu tiếp giáp với Việt Nam và dịch vụ mậu dịch đứng đầu tỉnh Quảng Tây nên sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông sản của Bắc Giang thông quan, nhất là vải thiều.
Để hội nghị thành công, vào đầu tháng 5, Sở Công Thương đã cử đoàn công tác đến làm việc với lãnh đạo chính quyền sở tại, khảo sát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Thực tế, sau thành công của hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều tại đây vào năm ngoái, người dân bản xứ đã biết đến trái vải Bắc Giang; nhiều thương nhân tìm về tận vườn tại Lục Ngạn đặt các điểm thu mua vải thay vì thông qua một số đầu mối trung gian như trước. Dự kiến, vụ vải này, thương nhân đến Lục Ngạn sẽ tiếp tục tăng và Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất về mặt bằng, hỗ trợ dịch vụ ngân hàng, bảo đảm an ninh trật tự để khách hàng yên tâm.
Bên cạnh đề nghị hỗ trợ, phối hợp từ phía thị Bằng Tường, các địa phương có sản phẩm vải thiều xuất khẩu cũng nỗ lực vào cuộc. Đi đôi với thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của người dân, tạo sản phẩm đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, huyện Lục Ngạn trích kinh phí hỗ trợ 50% giá trị tem truy xuất nguồn gốc gắn vào sản phẩm cho các tổ hợp tác, hợp tác xã; một phần kinh phí in bao bì, túi lưới đựng quả vải. Tại huyện Tân Yên, ngoài tiếp tục hướng dẫn nông dân chăm sóc vải theo quy trình VietGAP còn hỗ trợ 100% kinh phí gắn tem, nhãn cho vải sớm xuất khẩu.
Mở rộng thị trường mới, chú trọng nội địa
Năm 2017, vải thiều Bắc Giang có mặt tại 30 quốc gia trên thế giới, tăng 7 thị trường so với năm trước, trong đó có một số thị trường cao cấp như: Anh, Mỹ, Úc, Thái Lan, Pháp. Giá trị quả vải không ngừng tăng. Không dừng lại ở thị trường đã được khai thác, năm nay, tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu tiếp cận, đưa sản phẩm vào thị trường tiềm năng, đó là các nước khu vực Trung Đông, Đông Nam Á. |
Năm 2017, vải thiều Bắc Giang có mặt tại 30 quốc gia trên thế giới, tăng 7 thị trường so với năm trước, trong đó có một số thị trường cao cấp như: Anh, Mỹ, Úc, Thái Lan, Pháp. Giá trị quả vải không ngừng tăng. Năm 2017, giá vải thiều cao nhất từ trước đến nay, có thời điểm lên đến 65-75 nghìn đồng/kg. Điều này cho thấy, hướng đi đúng của tỉnh đối với xúc tiến tiêu thụ vải thiều.
Không dừng lại ở thị trường đã được khai thác, năm nay, tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu tiếp cận, đưa sản phẩm vào thị trường tiềm năng, đó là các nước khu vực Trung Đông, Đông Nam Á; tổ chức chương trình đưa thương nhân, DN trong và ngoài nước về thăm các mô hình trồng vải chất lượng, hiệu quả trên địa bàn. Được biết, đầu tháng 5, một đoàn thương nhân của Pháp đã đến thăm một số vườn vải GlobalGAP tại xã Giáp Sơn, Lục Ngạn để đặt vấn đề thu mua khi vào vụ.
Ngoài ưu tiên bảo đảm các điều kiện xuất khẩu, Bắc Giang xác định phải chú trọng thị trường trong nước. Cùng với khu vực trọng tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ, tỉnh chú trọng hơn vào thị trường miền Trung, Tây Nguyên. Vì vậy, năm nay tỉnh tổ chức hội nghị tại Bắc Giang với quy mô lớn hơn vào ngày 8-6, đại biểu đến từ các địa phương có cửa khẩu và tỉnh, TP lớn.
Một điểm nhấn trong xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm nay là duy trì “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang tại Hà Nội” diễn ra từ 27-6 đến 3-7 tại BigC Thăng Long. Thông qua tuần lễ này, người dân Thủ đô được mua sản phẩm chính hãng, bảo đảm chất lượng. Những năm trước, tuần lễ thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sản phẩm. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lục Ngạn, riêng năm 2017, trong một tuần vải thiều Lục Ngạn được bán ra tại siêu thị BigC Thăng Long và một số cửa hàng tiện ích khác với sản lượng gần 200 tấn.
Vải thiều Bắc Giang đã tạo được niềm tin, chiếm cảm tình đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước nhờ sản xuất theo quy trình tiên tiến. Hiện, toàn tỉnh có 13,5 nghìn ha vải VietGAP, GlobalGAP, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích. Một mùa vải nữa sắp đến, cùng với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, hộ sản xuất và kinh doanh vải đang tất bật chuẩn bị các điều kiện cho vụ mới; trong đó chú trọng chăm sóc để quả có mã đẹp, thơm ngon, giữ vững chất lượng, thương hiệu vùng vải quê hương.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)