Xóa lò vôi thủ công tại Yên Thế (Bắc Giang): Đầu tư công nghệ mới, đào tạo chuyển đổi nghề
Vẫn vào lò, ra vôi
Những ngày này, có mặt tại một số xã, thị trấn ở huyện Yên Thế vốn có nghề truyền thống nung vôi, chúng tôi thấy hàng chục cơ sở, lò thủ công vẫn đang vào lò, ra vôi. Khói bụi từ vận chuyển đá, than, sản xuất vôi… khiến các tuyến đường lúc nào cũng trong tình trạng mờ mịt, lớp bụi phủ kín cây cối và nhà dân trong khu vực.
Nhiều lò vôi trên địa bàn thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) vẫn hoạt động. |
Hầu hết các lò vôi trên địa bàn Yên Thế không có hệ thống xử lý khói, bụi, nước thải theo quy định. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, khí thải tại một số lò nung vôi có thông số khí CO vượt gần hai lần so với quy chuẩn, ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống, sức khỏe người dân. |
Gần đó, cơ sở của ông Trịnh Hữu Đại cũng trong tình cảnh tương tự. Năm 2018, gia đình ông cải tạo, sửa chữa lò hết 600 triệu đồng, trong đó riêng tiền vay ngân hàng 200 triệu đồng. Vì có ít người làm, tuổi cao, sức yếu, bị bệnh nhiều năm nay nên ông chỉ làm lò nhỏ, công suất từ 3,5 đến 5 tấn vôi/ngày. “Hai vợ chồng tôi và 4 công nhân đều trong độ tuổi từ 40 đến hơn 60, việc chuyển đổi nghề nghiệp rất khó, trong khi chưa giải quyết xong số nợ đã vay để xây dựng lò. Nếu dừng hoạt động, chúng tôi chưa biết sẽ sống bằng nghề gì”, ông Đại băn khoăn.
Được biết, cuối tháng 2 vừa qua, UBND huyện Yên Thế tổ chức rà soát tình hình hoạt động của các lò vôi trên địa bàn, kết quả cho thấy còn 52 cơ sở vẫn tiếp tục sản xuất. Trong đó, xã Hương Vỹ có nhiều nhất với 29 lò, thị trấn Bố Hạ 13 lò, xã Đông Sơn có 9 lò và xã Đồng Hưu còn 1 lò.
Chỉ cấp phép cho lò đủ tiêu chuẩn
Theo ông Chu Văn Thi, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Thế, đến nay dù sản lượng giảm, nhiều người bỏ nghề nhưng các cơ sở thay thế lò ủ truyền thống, quy nhỏ bằng lò liên hoàn, công suất lớn nên vẫn làm ra khoảng 70 nghìn tấn vôi/năm cùng hàng triệu viên cay xỉ.
Vôi Yên Thế được người dân các địa phương lựa chọn để phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, bón cho đất, bổ sung vi chất, một phần cung cấp cho các nhà máy sản xuất thép, giấy, nhiệt điện và xuất khẩu. Nếu tính cả các ngành nghề phụ trợ thì các lò vôi giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động huyện Yên Thế và nhiều địa phương lân cận.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các lò vôi đều sử dụng lao động lớn tuổi (40 - 60 tuổi), không muốn và ít còn khả năng chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, huyện xác định việc xóa bỏ lò vôi thủ công là cần thiết. Theo đó, huyện không cấp phép đầu tư xây dựng cho các lò sản xuất vôi thủ công gián đoạn và lò thủ công liên hoàn; chỉ xem xét chấp thuận đầu tư cơ sở sản xuất vôi công nghiệp có quy mô công suất lớn hơn hoặc bằng 200 tấn/ngày (lớn hơn hoặc bằng 60 nghìn tấn/năm), đáp ứng được các tiêu chí về công nghệ, môi trường và có vùng nguyên liệu ổn định, được Bộ Xây dựng chấp thuận về quy hoạch. Hiện trên địa bàn huyện Yên Thế có Hợp tác xã Chế biến vôi Ngân Hồng, xã Hương Vĩ đang liên kết bao tiêu khoảng 200 tấn vôi/ngày và đã lập dự án chuyển sang sản xuất vôi công nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, dự kiến xây dựng tại xã Đông Sơn.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đã đôn đốc huyện Yên Thế thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh trên tinh thần kiên quyết xóa bỏ lò vôi không đủ điều kiện hoạt động. Đẩy nhanh việc chuyển đổi sản xuất vôi thủ công sang quy mô công nghiệp, công nghệ hiện đại, mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường. Đồng thời triển khai đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động sản xuất vôi có nhu cầu.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)