Xây dựng vùng cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu
Các mô hình trồng cây ăn quả tại xã Trù Hựu (Lục Ngạn). Ảnh: Trịnh Lan. |
Do tác động của con người làm khí hậu toàn cầu đang thay đổi, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Rõ nét nhất đối với CAQ của Bắc Giang gần đây là sản lượng vải thiều bấp bênh. Niên vụ 2017, nhiệt độ trung bình trong các tháng “ngủ đông” cao, cây trồng này sinh trưởng, phát triển không theo quy luật, lộc nhiều hơn hoa, đậu quả muộn, sản lượng giảm khoảng 50% so với năm trước. Trong khi đó, cũng do thời tiết biến đổi khiến cam lòng vàng ra hoa sớm hơn, tỷ lệ đậu quả cao, được mùa. Năng suất cây trồng không ổn định tạo sức ép lớn lên khâu tiêu thụ, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân. Vùng CAQ Bắc Giang bị tác động bởi ba yếu tố chính trong BĐKH gồm: Nhiệt độ trung bình tăng, lượng mưa ngày càng cao trong mùa mưa và giảm mạnh ở mùa khô, số đợt không khí lạnh trong năm ít dần. Diễn biến thời tiết không theo quy luật làm phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng khó có khả năng phòng, trừ hiệu quả.
Chính vì vậy, việc xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động tiêu cực của BĐKH được ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các địa phương quan tâm. Tỉnh và các huyện đã quy hoạch vùng CAQ tập trung có quy mô phù hợp có tính đến các yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu, nước tưới, trình độ thâm canh của người dân… Đơn cử tại huyện Lục Ngạn, trước đây diện tích vải thiều lên tới hơn 20 nghìn ha, bà con trồng nhiều ở các xã vùng cao, thậm chí đưa lên đồi canh tác. Khi bị BĐKH tác động, phần diện tích ở vùng cao bị ảnh hưởng nặng nề, năng suất thấp, thậm chí không cho trái, chất lượng quả không cao. Những năm gần đây, UBND huyện đã cơ cấu lại theo hướng chuyển đổi vải trên đồi cao sang trồng rừng kinh tế, một phần diện tích ở vùng trũng thay thế bằng bưởi, cam, táo… Theo ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, địa phương tập trung giữ ổn định quy mô diện tích vải thiều ở mức 16 nghìn ha (giảm 2 nghìn ha so với năm 2013) đồng thời ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, để hình thành vùng CAQ trọng điểm, UBND huyện còn khuyến khích phát triển cây có múi, táo, nhãn theo quy hoạch.
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thu hoạch lạc non bị ngập úng do mưa lớn tại xã Chu Điện (Lục Nam). Ảnh tư liệu. |
Dự báo về BĐKH tác động trực tiếp tới vùng CAQ của tỉnh, các hội thảo, hội nghị về phát triển bền vững vùng CAQ ứng phó với BĐKH đã được tổ chức thu hút sự quan tâm của các chuyên gia đầu ngành cả nước và ở tỉnh về lĩnh vực này. Cuối năm 2017, tại Hội thảo Phát triển bền vững vùng CAQ huyện Lục Ngạn, nhiều nhà khoa học đã tham góp những ý kiến quý báu. Trong đó, đề nghị phải rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất theo hai nhóm cây trồng chính là vải thiều, nhãn và cây có múi (cam, bưởi, quýt); trồng CAQ theo đúng quy hoạch, hạn chế rủi ro. Các đơn vị liên quan của tỉnh phối hợp với các viện, trường có uy tín nghiên cứu, ứng dụng nhanh những giống cây mới có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với BĐKH nhằm nâng giá trị kinh tế trên cùng diện tích. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và chuyển giao các mô hình đã chuyển đổi thành công như trồng xen, rải vụ CAQ, đa dạng loại cây trồng, ứng dụng phương pháp sản xuất theo quy trình tiên tiến để bà con tham khảo, áp dụng vào thực tiễn và nhân rộng.
Mỗi năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới chọn một chủ đề cho Ngày Khí tượng Thế giới 23-3. Thông điệp của năm nay là “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu với cộng đồng; tăng cường đầu tư nghiên cứu, dự báo, cảnh báo về thời tiết, khí hậu nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. |
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững xác định, tiếp tục giảm quy mô diện tích vùng CAQ hiện có xuống còn 47 nghìn ha và giữ ổn định phù hợp với lợi thế, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thích ứng BĐKH. Theo ông Đặng Văn Tặng, Trưởng phòng Kỹ thuật Tổng hợp (Sở Nông nghiệp và PTNT), để đạt mục tiêu này, Bắc Giang duy trì quy mô diện tích vải thiều 28-30 nghìn ha, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang; cây có múi 5-6 nghìn ha tại các địa phương trên và huyện Hiệp Hòa. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi như: Kỹ thuật khoanh cành, tưới nước, bón phân, rải vụ vải thiều; mở rộng vùng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều theo chuỗi giá trị.
Đối với cây có múi, BĐKH dễ làm bùng phát, lây lan bệnh vàng lá (greening) từng xóa sổ cây cam sành Bố Hạ nổi tiếng một thời, Tiến sĩ Lê Mai Nhất, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đề xuất phòng ngừa bằng cách phục tráng loại giống đã có ưu thế tại Bắc Giang, cung ứng cho người trồng cây giống sạch bệnh, kiểm soát tốt loài rầy chổng cánh là trung gian lan truyền bệnh.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)