Xây dựng thương hiệu cho đàn gia súc ở Lục Ngạn
Người dân xã Phong Vân tiêm phòng cho đàn dê. |
Chi phí thấp, lợi nhuận cao
Những năm qua, tận dụng đồi bãi rộng, đồng cỏ tự nhiên lớn, nhiều hộ dân tại xã Phong Vân chăn nuôi dê, ngựa, bò, trâu để phát triển kinh tế, nhờ vậy cuộc sống đổi thay. Điển hình là nhà ông Vi Hải Âu, thôn Làng Chả thường xuyên có 10 con ngựa bạch. Mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng khoảng 3-4 con, với giá trung bình từ 25 - 30 triệu đồng/con, thậm chí có con lên tới 50 triệu đồng giúp ông thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Theo ông Âu, so với một số vật nuôi khác, ngựa ăn tạp, tốn ít công chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để chủ động nguồn thức ăn trong những ngày giá rét, ông dành hơn ba sào đất trồng cỏ voi. Hiện nay, ngựa bạch rất dễ tiêu thụ do nhu cầu khách hàng cao song gia đình ông không đủ lượng để bán. Thời gian tới, ông mở rộng đàn nhằm tăng nguồn thu.
Đề án đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tại một số xã vùng Đông Bắc huyện Lục Ngạn giai đoạn 2018-2021 được triển khai ở các xã: Phong Minh, Phong Vân, Tân Sơn, Biên Sơn, Kim Sơn, Tân Hoa, Cấm Sơn, Hộ Đáp và Sơn Hải. Tổng kinh phí thực hiện gần 8 tỷ đồng, riêng năm 2018 là hơn 1,6 tỷ đồng. |
Có kinh nghiệm chăn nuôi từ hàng chục năm qua, gia đình anh Ngô Văn Đạt, thôn Cả, xã Phong Minh thường xuyên có 60 con trâu, bò trị giá lên đến gần một tỷ đồng. Đây là một trong những hộ điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Anh Đạt nói: “Mặc dù nuôi nhiều trâu, bò nhưng việc nuôi không quá vất vả. Thông thường, sáng sớm tôi lùa gia súc vào rừng, tối đến mới đuổi về và thi thoảng bổ sung thức ăn tinh bằng cám gạo, ngô; định kỳ tiêm vắc-xin phòng bệnh, bảo đảm cho vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Tính ra, chi phí chăm sóc chẳng đáng là bao song lợi nhuận lớn”.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng rừng là nguồn thu chính của các xã phía Đông Bắc của huyện như: Phong Minh, Phong Vân, Biên Sơn, Tân Sơn… Vật nuôi chủ yếu gồm: Ngựa, dê, trâu, bò. Hiện nay, đàn ngựa của xã Phong Vân hơn một nghìn con; dê xã Biên Sơn hơn 2 nghìn con; trâu Phong Minh gần 1,9 nghìn con… Nhờ chăn nuôi, kinh tế của đồng bào dân tộc ngày càng khấm khá; nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
Hỗ trợ giống, thành lập hợp tác xã
Mở rộng đàn vật nuôi để tăng thu nhập đang được các hộ thuộc xã vùng đèo của huyện Lục Ngạn chú trọng. Tuy nhiên có một thực tế là trên địa bàn chưa có cơ sở sản xuất giống đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu. Người dân đa phần sử dụng giống bản địa có tầm vóc nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ thấp. Ví như, trâu địa phương (trâu ré) hai năm tuổi bình quân đạt 230-250 kg/con; 5 năm tuổi trung bình đạt 300-350 kg/con, bằng một nửa so với trâu lai. Hay giống ngựa có giá trị kinh tế cao như ngựa bạch mới chiếm khoảng 19% tổng đàn. Cùng đó, đồng cỏ ngày càng thu hẹp, chuồng trại thô sơ, tạm bợ. Các yếu tố này khiến một số vật nuôi bị chết rét do thiếu thức ăn hoặc mắc bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Xác định chăn nuôi gia súc là thế mạnh của địa phương, UBND huyện Lục Ngạn vừa triển khai đề án “Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tại một số xã phía Đông Bắc giai đoạn 2018-2021”. Vật nuôi được ưu tiên chú trọng gồm: Trâu, ngựa, dê. Mục tiêu của huyện đến năm 2021 là giữ ổn định đàn trâu, bò, dê; phát triển đàn ngựa.
Cụ thể, đàn dê lai chiếm 30%; trâu lai 15% tổng đàn; đàn ngựa đạt 3 nghìn con, tỷ lệ ngựa bạch 35%. Tổng kinh phí thực hiện gần 8 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hơn 5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân. Theo từng giai đoạn, số kinh phí trên dành hỗ trợ giống vật nuôi mới; vắc-xin; trồng cỏ VA06; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ký kết các thỏa thuận, cam kết tiêu thụ sản phẩm với các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để đạt kế hoạch đề ra, cơ quan chuyên môn của huyện đang lựa chọn hộ tham gia; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thay đổi thói quen thả rông gia súc của người dân; hướng dẫn thành lập hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực: Chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhận định rõ những thách thức trong phát triển chăn nuôi thời gian tới, huyện chủ động đề ra các giải pháp khắc phục; tiến tới tạo bước chuyển trong quá trình tổ chức sản xuất của người dân. Đặc biệt là khẩn trương bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể gia súc mang thương hiệu Lục Ngạn; quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)