Xây dựng môi trường làm việc văn hóa
Công sở văn minh, quan tâm đời sống người lao động
Tại xã Tân Hưng (Lạng Giang), việc xây dựng cơ quan đạt chuẩn văn hóa được cán bộ, công chức của xã quán triệt nghiêm túc gắn với việc xây dựng chính quyền thân thiện. Ở bộ phận một cửa niêm yết công khai các quy định, thủ tục như: Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, biểu thu phí và lệ phí, số điện thoại của cán bộ công chức. Cán bộ thực hiện nghiêm 4 xin (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn), 4 luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ), 5 không (không gây khó khăn, phiền hà; không kéo dài thời gian giải quyết; không cửa quyền, hách dịch; không gợi ý, đòi hỏi bồi dưỡng; không đùn đẩy trách nhiệm). Tại đây có hệ thống quạt mát, đèn chiếu sáng, máy điều hòa. Công dân đến giải quyết công việc cảm thấy thoải mái, dễ chịu, hài lòng về ứng xử giao tiếp của cán bộ, công chức.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đã thành nếp, hầu hết công chức đều đến cơ quan trước giờ làm việc ít phút để sắp xếp, vệ sinh nơi làm việc gọn gàng, sạch sẽ. Định kỳ, lãnh đạo UBND xã tổ chức đối thoại với nhân dân để nắm thông tin, nghe ý kiến phản ánh về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc. Nhiều năm, xã Tân Hưng luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, dự kiến cuối năm nay xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhờ quan tâm xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ. |
Ở Sở Nội vụ, vào cuối giờ chiều thứ Sáu hằng tuần, 100% cán bộ, nhân viên cơ quan vệ sinh công sở; chăm sóc, bổ sung cây xanh, hoa tươi. Cơ quan khuyến khích mọi người tự tạo không gian phòng làm việc xanh, sạch, đẹp bằng các chậu cây, hoa tươi. Công đoàn cơ quan phối hợp với Chi đoàn thanh niên duy trì phong trào "Xây dựng công sở văn minh, xanh, sạch, đẹp". Các phòng làm việc đều có chậu cây xanh, đặt biển "không hút thuốc". Mặc dù số lượng cán bộ, nhân viên nam khá đông song quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc được thực hiện nghiêm túc.
Cùng với công sở hành chính nhà nước, nhiều doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, xây dựng doanh nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang có gần 450 cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc ở nhiều lĩnh vực như: Vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, vận hành điện chiếu sáng, xử lý rác... Do đặc thù công việc, phần lớn người lao động của công ty làm việc ngoài trời và ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ và ngày lễ, tết. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Để người lao động yên tâm gắn bó với nghề, ngoài bảo đảm mức lương hằng tháng, công ty thưởng theo quý (từ 3-6 triệu đồng/người/quý) tùy từng bộ phận. Công việc nặng nhọc, độc hại, thậm chí nguy hiểm song người lao động yên tâm gắn bó, nhiều năm qua, công ty không có ai bỏ nghề.
Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang) có hơn 4 nghìn công nhân đang làm việc. Mặc dù số lao động rất đông song tổ chức Công đoàn thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên công ty duy trì việc tặng quà sinh nhật, quà cưới cho đoàn viên. Các ngày làm việc, công nhân được tặng sữa để tăng cường sức khỏe. Ở các phân xưởng, công nhân được nghe những bản tin phát thanh về kiến thức hôn nhân, gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp, mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và công nhân ngày càng gắn bó, thân thiện, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.
Bám sát tiêu chí
Phong trào "Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" là nội dung quan trọng của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thời gian qua, nhất là khi thực hiện Đề án số 216 ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác này được triển khai tích cực hơn. Qua bình xét, hằng năm, tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh luôn đạt từ 80% trở lên. Trong 2 năm (2021-2022), Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 97 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu xuất sắc.
Từ năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, LĐLĐ tỉnh là cơ quan chủ trì triển khai phong trào. LĐLĐ tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận danh hiệu. Hiệu quả phong trào mang lại đó là tạo ra môi trường làm việc văn hóa, văn minh, tinh thần làm việc hứng khởi, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo, quản lý, các tổ chức đoàn thể với người lao động. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, khơi dậy sức sáng tạo, sự cống hiến của mỗi người, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Bài học kinh nghiệm qua thực hiện phong trào đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; trách nhiệm của tổ chức công đoàn, nhất là vai trò của người lãnh đạo. Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm tới môi trường, điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động thì ở đó năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, tinh thần đoàn kết được nâng lên. Thực hiện công khai, minh bạch các quy chế, nội quy; thường xuyên kiểm điểm đánh giá, rút kinh nghiệm; động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt.
Ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào "Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", LĐLĐ tỉnh tiếp tục hướng dẫn các đơn vị bám sát các tiêu chuẩn, thực hiện việc đánh giá, bình xét danh hiệu một cách khách quan. Triển khai có hiệu quả Đề án 216 về nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2025, trong đó tiếp tục quan tâm xây dựng các điển hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa để tạo sức lan tỏa, làm động lực thúc đẩy phong trào.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)