Xây dựng huyện nông thôn mới: Phấn đấu về đích vào năm 2020
Xã Nghĩa Hòa cứng hóa đường giao thông nội thôn. |
Nhân dân cùng chung sức
Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Lạng Giang có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Xác định xây dựng NTM đáp ứng yêu cầu của sự phát triển KT- XH, đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Cùng đó tập trung phát động phong trào thi đua "Lạng Giang chung sức xây dựng NTM" trong các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân nhằm huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia.
Dẫn chúng tôi đến khu trung tâm của thôn, nơi có nhà văn hóa khang trang liền kề với sân bóng đá, đồng chí Đồng Huy Chung, Bí thư Chi bộ thôn Cánh Phượng, xã Hương Sơn chia sẻ: “Để có được khuôn viên này, thôn vận động nhân dân hiến hơn 4.500 m2 đất, góp gần 400 ngày công. Riêng gia đình tôi hiến 400 m2 và ủng hộ 50 triệu đồng. Có nơi sinh hoạt chung để tổ chức hội họp, vui chơi nên bà con rất phấn khởi”.
Không riêng thôn Cánh Phượng, nhân dân các thôn khác cũng tích cực góp sức xây dựng NTM. Tiêu biểu như thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm có 35 hộ tự nguyện giao đất mở rộng đường; 70 hộ dân thôn Mỹ Cả, xã Mỹ Thái hiến hơn 10.000 m2 đất đang canh tác để xây dựng thêm lớp học mầm non.
Mô hình trồng hoa của gia đình anh Trần Danh Toàn, thôn Then, xã Thái Đào được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. |
Đồng chí Tạ Huy Cần, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cho biết: Quá trình thực hiện, huyện đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến cho người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của chính người dân trong xây dựng NTM. Khuyến khích, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện NTM ở địa phương. Mặt khác, huyện lựa chọn những tiêu chí, nội dung sát với thực tiễn cơ sở, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân để nhân dân tích cực hưởng ứng.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, năm 2017, toàn huyện có hơn 4.300 hộ dân hiến 85.000 m2 đất, đóng góp gần 14 nghìn ngày công, gần 39 tỷ đồng để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác. Qua đó giúp địa phương tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, triển khai chủ trương hỗ trợ xi -măng của tỉnh, các xã, thị trấn đã cứng hóa được 42 km đường, trong đó nhân dân đối ứng hơn 19 tỷ đồng.
Quyết tâm về đích
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, huyện Lạng Giang về đích NTM. Theo lộ trình, năm 2018 huyện phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn. Năm 2019 hoàn thành xong các tiêu chí ở những xã còn lại.
Cô và trò Trường Tiểu học Đại Lâm trong giờ học. |
Mỹ Thái là một trong những xã đăng ký về đích NTM năm 2018. Hiện nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí, đang phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí còn lại là: Cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, kênh mương thủy lợi, môi trường. Nhu cầu vốn để hoàn thành các hạng mục này là hơn 10 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã, để bảo đảm tiến độ, cùng với nguồn vốn của tỉnh và huyện hỗ trợ, xã sẽ bố trí khoảng 1 tỷ đồng và huy động nội lực từ nhân dân.
Sản xuất nấm công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp và Phát triển đa ngành Hưng Vượng, thôn Khoát, xã Nghĩa Hưng. |
Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, toàn huyện có thêm 6 xã về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 11/21 xã. Kết quả này góp phần nâng số tiêu chí bình quân toàn huyện lên 16,5 tiêu chí/xã. Điểm nổi bật ở Lạng Giang là tiêu chí thu nhập ở tất cả các xã bình quân đều đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. |
Qua rà soát của ngành chức năng, dự kiến tổng nguồn vốn để thực hiện NTM năm 2018 ở 5 xã gồm: Đào Mỹ, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Tiên Lục, Hương Lạc khoảng 53 tỷ đồng, chưa kể các nguồn vốn xã hội hóa khác. Thời gian tới, BTV Huyện ủy yêu cầu các xã thực hiện tốt nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM để huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Căn cứ vào thế mạnh của địa phương, huyện tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhân dân dồn điền, đổi thửa. Quan tâm hình thành cánh đồng mẫu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao cho một số sản phẩm thế mạnh như hoa, rau chế biến nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Từ đó người dân có đóng góp trở lại để thực hiện các tiêu chí, nhất là những tiêu chí đòi hỏi nhiều kinh phí như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Ngoài ra, huyện tiếp tục quy hoạch sử dụng đất để các xã tổ chức đấu giá tăng số thu. Mỗi năm sẽ bố trí khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương thực hiện các tiêu chí NTM.
Công nhân Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thống Nhất, thị trấn Vôi vận hành thiết bị. Ảnh: PV - Danh Lam |
Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cùng với những giải pháp trên, huyện yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo sâu sát cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã áp dụng mẫu thiết kế điển hình, ưu tiên cho nhân dân tham gia thi công các công trình đơn giản như: Kênh mương, nhà văn hóa, đường thôn xóm để giảm chi phí đầu tư. Với các biện pháp này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra là trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)