Xây dựng cánh đồng mẫu, mở hướng chuyên canh
Nông dân xã Thái Đào thu hoạch rau trên cánh đồng mẫu. Ảnh: Trịnh Lan. |
Nông dân hưởng lợi
Trên cánh đồng trải dài tít tắp tại xứ đồng Tu Hú, Cầu Phẩy ở xã Thái Đào, lúa đã vào vụ thu hoạch. Đây là năm thứ ba, UBND xã xây dựng cánh đồng mẫu quy mô 30 ha. Vụ mùa năm trước, mô hình này cho năng suất lúa trung bình đạt gần 7 tấn/ha, tăng hơn 14% so với giống lúa Khang Dân 18 được trồng phổ biến tại địa phương. Nắm bắt lợi thế, vụ mùa này, nông dân tiếp tục đưa giống lúa lai LC 212 vào sản xuất với nhiều ưu điểm vượt trội như: Khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ, gạo ngon. Ông Nguyễn Văn Thơ, một trong những hộ dân gieo cấy lúa trên cánh đồng mẫu, nói: "Trước đây, mỗi hộ cấy một giống lúa khác nhau nên thời điểm gặt hái không đồng đều, sâu bệnh nhiều. Canh tác trên cánh đồng mẫu, các hộ cấy cùng một giống, thuận lợi hơn nhiều".
Sản xuất theo phương thức này nông dân được hỗ trợ 60% giá giống, 30% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Cán bộ khuyến nông trực tiếp tập huấn quy trình kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, nông dân không phải lo thu hoạch do được bao tiêu sản phẩm ngay tại ruộng. Ngoài hiệu quả kinh tế, cánh đồng mẫu còn giúp người dân tiếp cận với những giống lúa mới chất lượng cao, thay thế các giống lúa năng suất thấp. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhìn chung sản xuất lúa ở cánh đồng mẫu năng suất đều tăng từ 15-20%.
Từ năm 2015 đến nay, huyện đã xây dựng được 11 cánh đồng mẫu, tổng diện tích hơn 500 ha. Riêng năm 2017 xây dựng ba cánh đồng mẫu, quy mô gần 100 ha tại các xã Thái Đào, Xuân Hương, Nghĩa Hòa. Từ mô hình này đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, có giá trị kinh tế và gắn kết 4 nhà. Đơn cử như những cánh đồng rau chế biến gồm: Dưa chuột Nhật, dưa bao tử, ớt ngọt, cà chua bi, khoai tây. Mỗi vụ cho thu nhập từ 155-170 triệu đồng/ha. Để nông dân yên tâm sản xuất, huyện tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu G.O.C; Công ty cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu Hải Dương bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Quan tâm hỗ trợ sản xuất
Hiệu quả vượt trội khi sản xuất trên cánh đồng mẫu tạo tiền đề để các xã trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện dồn đổi ruộng đất, tiến tới hình thành các vùng chuyên canh lớn". Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang |
Nắm được lợi thế sản xuất tập trung trên cánh đồng mẫu, những năm gần đây, UBND huyện tích cực chỉ đạo các xã dồn điền đổi thửa, tạo vùng hàng hóa chuyên canh. Năm nay, huyện phấn đấu dồn đổi 680 ha tại 21 xã trên địa bàn. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, ngân sách huyện hỗ trợ 4 triệu đồng/ha để chỉnh trang đồng ruộng như làm bờ vùng, bờ thửa và một phần công san gạt ruộng. Đến thời điểm này các xã đã dồn đổi được gần 500 ha.
Cùng đó, huyện quan tâm tạo điều kiện về vốn, giống, kỹ thuật canh tác. Đối với các loại cây rau màu hỗ trợ 70 nghìn đồng/kg giống ngô nếp lai HN88; 108 nghìn đồng/sào rau an toàn, rau chế biến trên khu vực có diện tích từ 5 ha trở lên; 72 nghìn đồng/sào trồng thuốc lá khi có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra, sau mỗi lần thử nghiệm giống mới, ngành chức năng đều tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả thực hiện. Tại hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình lúa Kim Cương 111, quy mô 1,3 ha tổ chức tại xã Đại Lâm do UBND huyện tổ chức, ông Vũ Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã nói: "Đây là vụ đầu tiên xã đưa vào thử nghiệm giống lúa này, những hộ tham gia được Công ty cổ phần Giống cây trồng T.Ư hỗ trợ 100% giống, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, năng suất đạt khá".
Để nhân rộng cánh đồng mẫu, tăng hiệu quả sản xuất, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất tập trung; tăng cường xúc tiến với các doanh nghiệp, hộ nông dân để ký kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chú trọng quản lý trong khâu cung ứng giống, mở rộng thử nghiệm nhiều loại giống cây trồng tại các cánh đồng mẫu.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)