Xã Đào Mỹ (Lạng Giang): Cơ sở sản xuất vôi bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm
Công ty Sông Dưỡng sản xuất hàng chục tấn vôi/ngày. |
Gần 5 năm chây ì nộp phạt
Ngày 17-5-2011, Công ty TNHH một thành viên Sông Dưỡng (gọi tắt là Công ty Sông Dưỡng) có trụ sở tại thôn Nùa Quán, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động một số ngành nghề, trong đó có xuất khẩu vôi. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Đức Sông, Giám đốc. Sau khi đăng ký, dù chưa xây dựng dự án, làm các thủ tục cấp phép, phương án bảo vệ môi trường theo quy định nhưng Công ty này đã đầu tư nhiều tỷ đồng (theo thông tin ông Sông cung cấp) để xây dựng hai lò nung vôi thủ công liên hoàn đưa vào hoạt động tại khu dân cư thôn Nùa Quán. Quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đối với người dân xung quanh.
Từ phản ánh của người dân, năm 2013, cơ quan chức năng huyện Lạng Giang và tỉnh đã kiểm tra, kết luận Công ty Sông Dưỡng vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể: Không có đề án, cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định; thải khí bụi vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (khí thải có hàm lượng CO vượt quy chuẩn cho phép 8,11 lần, bụi vượt 1,18 lần so với quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với lưu lượng khí thải 15.320m3/giờ).
Ngày 17-6-2013, Công ty Sông Dưỡng đã bị UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt hành chính số 918/QĐ-XPHC, phạt tổng số 155 triệu đồng và phải nộp phạt trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận Quyết định, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. Ngoài các vi phạm trên, doanh nghiệp này còn bị UBND xã Đào Mỹ lập biên bản vi phạm về hành vi tự ý chuyển mục đích đất bãi sang đất sản xuất, kinh doanh không làm thủ tục chuyển đổi theo quy định; lấn chiếm đất công mở rộng khu sản xuất vôi; xả chất thải (than xỉ) xuống sông Thương…
Khó hiểu là quyết định có hiệu lực kể từ năm 2013 nhưng đến ngày 11-4 vừa qua, doanh nghiệp Sông Dưỡng vẫn chây ì không chịu nộp phạt song cũng không bị cơ quan chức năng cưỡng chế thi hành. Thậm chí họ còn ngang nhiên hoạt động trở lại với quy mô lớn hơn, gây băn khoăn, bức xúc trong dư luận địa phương.
Xử lý nghiêm theo quy định
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Quang Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ nói rằng, Công ty Sông Dưỡng mới đốt lò trở lại thời gian gần đây và đốt không thường xuyên. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì sau khi bị xử phạt một thời gian ngắn, doanh nghiệp này đã hoạt động trở lại. Thời điểm bị kiểm tra, xử lý, họ mới vận hành một lò thì sau đó xây thêm lò nữa và đốt liên tục từ đó đến nay. Quá trình sản xuất, doanh nghiệp không quan tâm thực hiện các biện pháp bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Bà Ngô Thị Tính, nhà ở sát khu vực sản xuất vôi bức xúc nói: “Cơ sở này hoạt động xả nhiều khí bụi, chỉ khi chúng tôi có ý kiến thì họ mới tưới nước ra xung quanh. Ô nhiễm như vậy nhưng chẳng thấy xã, huyện có ý kiến gì?”. Không chỉ có vậy, từ 6 -18 giờ mỗi ngày, gia đình bà Tính và các hộ xung quanh còn phải hứng chịu tiếng ồn của các loại phương tiện vào ra vận chuyển hàng, tiếng đập đá trước khi đưa vào lò. Hộ bà Tính còn nhiều lần bị các phương tiện vào khu lò va chạm gây đổ, nứt tường bao, tường quán bán hàng… Sống trong môi trường như vậy, nhiều người dân ở đây bị viêm mũi họng mạn tính.
Ngày 11-4, chúng tôi có mặt ở khu vực sản xuất vôi của Công ty Sông Dưỡng thấy hai máy xúc và nhiều lao động đang khẩn trương làm việc. Trời lất phất mưa nhưng không khí khu vực này vẫn nồng nặc mùi vôi. Dưới chân lò, chiếc xe tải trọng 25 tấn đang chờ lấy vôi ra. Trao đổi với phóng viên, ông Sông viện nhiều lý do biện minh cho hành vi vi phạm của mình, đồng thời cho biết, hiện chỉ có một lò nhỏ hoạt động, còn lò lớn bị hỏng từ lâu. Ngược lại, một số công nhân đang làm việc tại đây cho hay, hai lò vôi này hoạt động liên tục. Lò nhỏ mỗi ngày cho ra 25-30 tấn vôi, lò lớn quy mô gấp rưỡi.
Ngoài những vi phạm trên, phóng viên còn phát hiện, từ nhiều tháng nay, ông Sông cho đổ bê tông xây một cầu cảng nhỏ trái phép đua ra sông Thương phục vụ việc sản xuất, chuyên chở vôi nhưng chính quyền địa phương chưa hay biết. Bên cạnh đó, việc chấp hành các chế độ bảo hiểm, an toàn lao động đối với người lao động cũng chưa được doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay không sự tiếp tay, làm ngơ của chính quyền, cơ quan chuyên môn đối với những vi phạm trên?
Thực hiện Quyết định số 1469/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch đưa ra lộ trình xóa bỏ toàn bộ các lò vôi thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên địa bàn. Theo kế hoạch này, đến hết năm 2019, các lò vôi của Công ty Sông Dưỡng sẽ bị xóa sổ.
Trước mắt, để bảo đảm môi trường sống khu dân cư, sự nghiêm minh của pháp luật, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hoạt động, ra quyết định xử phạt lần hai đối với doanh nghiệp này. Yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt công nghệ xả thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định mới cho hoạt động trở lại. Nếu chủ doanh nghiệp vẫn cố tình không chấp hành cần tổ chức cưỡng chế thi hành; tái phạm lần nữa, đề nghị chuyển vụ việc sang cơ quan công an xử lý.
Nhóm PV bạn đọc
Ý kiến bạn đọc (0)