Vụ vải thiều năm nay: Nông dân Bắc Giang vui như hội
Giá vải thiều năm nay cao đột biến
Những ngày này tại Bắc Giang, thị trường vải thiều đang tiêu thụ rất sôi động. Tỉnh Bắc Giang cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 500 điểm cân lớn, nhỏ và tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Lục Ngạn và Lục Nam.
Sản lượng tuy thấp nhưng lại khiến người trồng vải hài lòng hơn. |
Vừa cân xong 5 sọt vải, quệt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt, ông Bùi Văn Trọng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn không giấu được niềm vui: "Năm nay giá vải cao hơn mọi năm, năm nay chỉ cần một rổ vải đầy cũng đã bằng giá thành của năm ngoái tôi bán một sọt vải".
Giảm chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian nhưng bán được giá cao hơn. |
"Năm nay vải được giá giúp cho nhân dân đỡ khổ hơn năm ngoái. Năm ngoái cao là 15, 16 nghìn đồng/ kg. Nhưng năm nay có thời điểm rộ lên 70.000 đồng/kg. Đầu ra năm nay khá ổn định, từ đầu mùa tới giờ mình cũng đi được 400 - 500 tấn rồi", anh Nguyễn Thanh Qúy, thương lái thu mua vải thiều tại Bắc Giang chia sẻ.
Theo tìm hiểu, giá vải tăng mạnh là bởi sản lượng vải năm nay thấp hơn mọi năm.
Niềm vui của người nông dân không phải là sản lượng mà là giá thành tăng vọt. |
Mặt khác, những năm gần đây, vì giá bán quá thấp, nên nhiều người dân ở các vùng trồng vải ở Bắc Giang đã chặt bỏ cây vải để trồng cam canh vì đó mà diện tích trồng vải giảm xuống.
Ngoài ra, năm nay việc các thương lái Trung Quốc sang thu mua vải ồ ạt cũng là lý do đẩy giá vải tăng cao. Riêng tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) hiện nay đang có gần 300 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều.
Sản lượng giảm nhưng người trồng vải lại vui mừng
Đối với những người nông dân, có lẽ niềm vui lớn nhất sau mỗi vụ thu hoạch là sản lượng tăng vọt. Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra tại Bắc Giang, với những nông dân trồng vải nơi đây, họ cảm thấy rất vui vẻ vì sản lượng vải thiều năm nay giảm đáng kể.
Thị trường vải đang rất sôi động. |
"Năm ngoái vải được 80 đến 100%, năm nay chỉ được 20 đến 25% thôi, nhiều nhà không được quả nào. Có nhà năm ngoái gần 200 tấn, nhưng năm nay chỉ được 1/3 sản lượng vải năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn rất vui. Mặc dù sản lượng năm nay ít, nhưng bù lại giá bán cao, còn hơn năm ngoái được mùa nhưng lại giá lại thấp", ông Bùi Văn Trọng chia sẻ.
Theo ông Trọng, nông dân trồng vải vui khi sản lượng vải thấp là bởi họ sẽ giảm được chi phí nhân công thu hoạch, tiết kiệm được thời gian, ngược lại bán được giá cao.
Còn những năm vải được mùa, những người nông dân vừa mất nhiều tiền thuê nhân công thu hoạch, tốn thời gian, công sức, mà giá bán lại bấp bênh. Nên nhiều người dân ở vùng trồng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) rất hứng khởi với vụ vải năm nay.
Ông Hồ Công Ngần, chủ khu vườn hơn 2 mẫu vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết: "Năm ngoái sản lượng vườn vải nhà tôi được trên 10 tấn, nhưng giá thấp có thời điểm tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên năm nay, vườn vải của tôi sản lượng bằng một nửa năm ngoái, nhưng ước tính thu nhập trên 300 triệu đồng, thu hoạch còn không kịp để bán".
Ông Ngần cho biết, mong muốn của ông là vụ nào giá vải cũng giữ được giá như vụ năm nay, đầu ra bảo đảm thì những người nông dân trồng vải không phải suy nghĩ mà yên tâm canh tác hơn.
Câu chuyện được mùa, mất giá là điều không hề mới trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, với những người nông dân, thước đo cho một vụ mùa thành công phụ thuộc vào sản lượng nông sản mang lại.
Thì nay, những người dân trồng vải ở Bắc Giang nói riêng và các vùng nông sản trên cả nước nói chung họ chỉ mong bán được giá cao, sản lượng có thể ít cũng không sao. Điều này đặt ra không ít câu hỏi về vấn đề đầu ra sản phẩm, cũng như bình ổn giá nông sản sau mỗi vụ mùa bội thu.
PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)