Vũ khí mạnh nhất đối phó với "quái vật" Delta
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần này tiếp tục đưa ra cảnh báo mới về tình hình dịch bệnh trên thế giới.
"Thành quả rất khó khăn mới có được của thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19 đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ mất đi và hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đang bị quá tải", ông Tedros nói trong cuộc họp báo ngày 30/7.
Nhân viên y tế chuyển thi thể nạn nhân Covid-19 tử vong tại nhà ở Bandung, Indonesia ngày 28/7. |
Chuyên gia hàng đầu của WHO, Mike Ryan, lưu ý rằng cuộc chiến với Covid-19 đã trở nên căng thẳng hơn. Ông Ryan nhấn mạnh vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại đại dịch này.
"Chúng ta đang chiến đấu với cùng một loại virus nhưng virus đã trở nên dễ lây lan hơn, dễ thích ứng để truyền bệnh từ người sang người hơn, sự thay đổi là ở chỗ đó", ông Ryan nói.
Ông Ryan cho biết các loại vắc xin được WHO phê duyệt đều cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể trước nguy cơ bệnh nặng và nhập viện từ tất cả các biến chủng, bao gồm cả biến chủng Delta.
Cảnh báo của WHO được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của làn sóng Covid-19 mới, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn so với các chủng virus cũ.
WHO ước tính số ca Covid-19 mới ở hầu hết các khu vực trên thế giới đã tăng 80% trong 4 tuần trở lại đây. Tại châu Phi, nơi mới chỉ có khoảng 1,5% dân số được tiêm chủng, số ca tử vong vì Covid-19 cũng tăng 80% trong thời gian này.
Ở châu Á, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục do biến chủng Delta gây ra. Biến chủng này cũng dẫn đến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm ở Singapore.
Myanmar cũng đang chìm trong khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng. Tuần này, theo báo cáo của AP, tỷ lệ tử vong bình quân đầu người trong 7 ngày của Myanmar lên tới 6,29 người chết trên một triệu người, cao gấp đôi so với tỷ lệ tử vong bình quân đầu người ở Ấn Độ vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19 hồi tháng 5.
Philippines đã công bố kế hoạch phong tỏa thủ đô Manila trong 2 tuần trong khi ở Australia, quân đội sẽ được triển khai từ ngày 2/8 để tuần tra Sydney - nơi đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do biến chủng Delta gây ra.
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm tăng vọt khi Thế vận hội vẫn đang diễn ra.
"Tình trạng lây nhiễm đang ngày càng lan rộng. Tình hình vô cùng nghiêm trọng", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, đồng thời cảnh báo tình trạng lây nhiễm vẫn đang ở mức đỉnh điểm.
Mỹ đã áp dụng cách tiếp cận mới cứng rắn hơn để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đang bị chững lại trong bối cảnh số ca nhiễm ngày càng tăng.
Các dữ liệu cho thấy những người đã được tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm virus, dù không nghiêm trọng nhưng vẫn có thể lây sang người khác.
Tại một ổ dịch ở bang Massachusetts, 3/4 số người bị nhiễm virus đã được tiêm phòng đầy đủ.
"Phải thừa nhận rằng cuộc chiến đã thay đổi," Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết.
CDC khuyến cáo một số biện pháp cứng rắn hơn, bao gồm việc bắt buộc tiêm chủng đối với các nhân viên y tế và áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang.
Nghiên cứu cho thấy những người không được tiêm chủng vẫn có nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn gấp 10 lần so với những người đã được tiêm chủng. Hầu hết các ca mắc mới ở Mỹ đều ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp.
Theo Tiến sĩ Peter Hotez, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y khoa Baylor, trường hợp mắc Covid-19 sau khi tiêm vẫn xảy ra ở Provincetown, bang Massachusetts, tuy nhiên vắc xin vẫn có hiệu quả cao, cứu sống nhiều sinh mạng.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)