Vụ cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô: Người sử dụng có thể bị xử lý hình sự
Trao đổi về việc Đại học Đông Đô cấp văn bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh giả cho 193 trường hợp, luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, hành vi sử dụng bằng giả trong công tác, học tập, pháp luật cũng đã có những quy định cụ thể.
Văn bằng cử nhân giả do Đại học Đông Đô cấp cho các học viên. |
Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định như sau:
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3-7 năm: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.
Như vậy, người sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm của hành vi cũng như mục đích sử dụng, có thể bị phạt tù từ 6 tháng - 7 năm.
Trường hợp chưa đến mức bị xử lý hình sự thì hành vi trên có thể bị xử lý hành chính theo khoản 3, khoản 5, điều 16 Nghị định số 138 của Chính phủ ngày 22/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Ngoài việc, còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật là bằng giả.
Ngoài ra, đối với những người đang là cán bộ, công chức, viên chức mà sử dụng bằng cấp giả nhằm mục đích nâng ngạch, bổ nhiệm chức vụ thì có thể bị xử lý vi phạm bằng hình thức cách chức hoặc thôi việc theo quy định tại điều 12, 13, 18 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT Ban hành Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 22/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trong trường hợp sử dụng bằng giả để thi, học thạc sĩ, tiến sĩ thì đương nhiên các bằng thạc sĩ, tiến sĩ là không có giá trị. Các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nếu phát hiện học viên sử dụng bằng giả thì phải thu hồi các văn bằng đã cấp.
Về vấn đề có nên công khai danh tính của người mua sử dụng bằng giả, luật sư Long cho rằng việc công khai danh tính những người mua bằng giả cũng là một trong biện pháp nhằm răn đe và làm gương đối với hành vi sử dụng bằng giả trong công tác và học tập.
Đồng thời, theo luật sư Long, quản lý văn bằng, chứng chỉ là một nội dung để quản lý cán bộ, đảng viên. Quá trình này đòi hỏi phải công khai, minh bạch trên cổng thông tin điện tử đơn vị mình để cho dân giám sát.
Theo Lao động
Ý kiến bạn đọc (0)