VPF đồng ý với đề xuất của HAGL
Sáng nay 2/2, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF - đơn vị tổ chức V-League, hạng Nhất và Cup Quốc gia) đã trao đổi với nhà tài trợ chính V-League 2023.
HLV Kiatisuk và các cầu thủ HAGL tập luyện trên sân Pleiku chiều 1/2, trong trang phục thi đấu của nhà tài trợ mới. |
Họ đồng ý với đề xuất của HAGL, dựa trên "tinh thần chia sẻ, hỗ trợ tạo điều kiện cho CLB có thể thực hiện việc hợp tác với nhà tài trợ, đảm bảo kinh phí hoạt động".
Đồng thời, VPF đề nghị HAGL tôn trọng và tuân thủ các quy chế, quy định, điều lệ V-League 2023 đã được 14 CLB thông qua.
Sau khi nhận được sự đồng thuận này, HAGL sẽ tiếp tục làm việc với nhà tài trợ chính của CLB. Khả năng cao nhà tài trợ này sẽ chấp nhận mất một số quyền lợi trong hợp đồng đã ký, nhưng không đòi HAGL đền bù hoặc cắt giảm kinh phí.
Trước đó, trong công văn gửi VPF tối 1/2, HAGL đưa ra các đề xuất xoay quanh việc giữ tên gọi nhà tài trợ nhưng bỏ ngành hàng nước tăng lực khỏi các vị trí quảng bá, cụ thể là trang phục thi đấu và tập luyện, bộ nhận diện giải đấu, hình ảnh và hoạt động trong sân Pleiku.
Nhãn hàng sẽ được quảng cáo ở ngoài sân Pleiku hoặc các địa điểm ngoài sân thi đấu chính thức ở các địa phương khác.
Nếu đạt được thỏa thuận như trên, đội bóng phố núi có thể tiếp tục góp mặt ở V-League 2023.
Xung đột bắt nguồn từ việc HAGL đàm phán và thông báo ký hợp đồng với một nhà tài trợ có nhãn hàng nước tăng lực vào ngày 15/1. Điều này được cho là phạm qui, vì họ từng được thông báo tại Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hôm 26/12/2022 về ngành hàng độc quyền V-League 2023 gồm nước tăng lực và quả bóng thi đấu.
Sau đó, VPF gửi công văn nhắc nhở HAGL, khẳng định không cấm nhà tài trợ của đội mà chỉ cấm nhãn hàng nước tăng lực. Sự việc bị đẩy lên căng thẳng với việc đại diện HAGL tuyên bố có thể bỏ giải nếu không được tài trợ.
Trước đó ở mùa 2022, HAGL cũng nhận tài trợ từ một hãng nước tăng lực. Tuy nhiên, do hợp đồng được thực hiện trước khi một nhãn hàng tương tự ký với VPF nên đội bóng của bầu Đức vẫn được quảng cáo. VPF cho biết nếu HAGL còn hợp đồng với hãng nước tăng lực cũ thì vẫn được thực hiện, nhưng với nhãn hàng mới ký sau hợp đồng của VPF thì vi phạm.
Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia cho rằng điều khoản "độc quyền ngành hàng" được áp dụng linh hoạt chứ không phải qui định căn bản của thương mại bóng đá.
Ở các nước phát triển, tỷ trọng doanh thu từ các nhà tài trợ chính không quá vượt trội so với các khoản từ bản quyền, bán vé hay vật phẩm lưu niệm... vì vậy, nhà tổ chức không cần "độc quyền ngành hàng" vốn rất nhiều ràng buộc. Nhưng V-League gần như chỉ có doanh thu từ tài trợ, nên thường ưu tiên việc đàm phán tài trợ cho đơn vị tổ chức giải, sau đó mới đến các CLB.
Cách đây hai năm, do khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ, V-League phải "cậy nhờ" Tập đoàn LS của Hàn Quốc - đơn vị có liên quan mật thiết tới Chủ tịch VPF Trần Anh Tú.
V-League 2023 khởi tranh từ ngày 3/2. Một ngày sau, HAGL sẽ tiếp Hà Tĩnh trên sân nhà.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)