Việt Nam kiên trì chiến lược chống dịch 5 bước
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 chiều 27/2, các chuyên gia kiến nghị qua mỗi đợt dịch, phải khẩn trương đúc rút kinh nghiệm để bổ sung cách thức phòng, chống tốt hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, chiều 26/2. |
Điển hình, đợt chống dịch ở Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh trong cơ sở y tế trở thành kinh nghiệm để Hải Phòng có thể xử lý triệt để ca bệnh phát hiện tại bệnh viện. Tương tự, dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp ở Hải Dương là kinh nghiệm lớn để bổ sung các hướng dẫn, đặc biệt liên quan đến việc cách ly hàng nghìn người khi có dịch bệnh.
Đồng tình với nhận định của các chuyên gia, thành viên Ban chỉ đạo trong cách chống dịch tiết kiệm của nước đang phát triển như Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói bài học trong đợt chống dịch vừa qua và những lần trước đó cho thấy "chúng ta phải kiên trì và tiếp tục hoàn thiện chiến lược này. Trong mọi trường hợp, cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó".
Theo ông Vũ Đức Đam, trường hợp biến thể mới lây lan nhanh hoặc dẫn đến rủi ro cao, có thể áp dụng các biện pháp "phong tỏa trong phong tỏa" như Hải Dương đã thực hiện. "Vòng trong" truy vết nhỏ nhưng chặt, "vòng ngoài" phong tỏa tạm thời ở quy mô rộng hơn. Sau khi xác định được yếu tố rủi ro thì sẽ dỡ phong tỏa "vòng ngoài" để chống dịch nhưng cũng giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xáo trộn đời sống người dân.
Phó Thủ tướng đồng tình với Bộ Y tế, trong chống dịch thì vaccine ngừa Covid-19 vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Thực tế cho thấy các nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine đã có hiệu quả. Bộ Y tế rất tích cực trong đàm phán, mua vaccine từ nước ngoài, nhận tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế, chuẩn bị để tổ chức tiêm chủng thật tốt.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhắc lại khuyến nghị của các chuyên gia là có vaccine rồi nhưng không được chủ quan. Vì sau khi tiêm mũi vaccine thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vaccine. Thêm nữa, Việt Nam chưa thể tiêm vaccine cho tất cả người dân.
Trong khi đó, so với các nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh nên bên ngoài "vẫn phải bao đê cho chặt", ở bên trong, kể cả những người đã được tiêm vaccine, vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước những thông tin không chính thức về hiệu quả của vaccine Astrazeneca Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định độ đặc hiệu của vaccine này từ 80% trở lên.
Về chương trình nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam, Phó Thủ tướng hoan nghênh tất cả các đơn vị liên quan đã rất nỗ lực, cố gắng để thực hiện; đến sáng 26/2, một trong ba vaccine đang được phát triển ở Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ hai.
Ông đề nghị việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải "tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn nhưng cố gắng nhanh nhất có thể". Đến nay các đơn vị nghiên cứu đã rút ngắn 50% thời gian thực hiện giai đoạn 2, từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Cuộc họp Ban chỉ đạo cũng đề cập đến những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải một đợt, hay một năm là xong. Dân số Việt Nam là 100 triệu người, việc phát triển thành công vaccine trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế, đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn giúp chủ động trong phòng, chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vaccine nhập khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế và các địa phương, đến nay tình hình dịch trên cả nước cơ bản được kiểm soát tốt. Sau một tháng phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 27/1, ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) và ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) đã cơ bản được kiểm soát sau một thời gian ngắn. Kể từ ngày phát hiện ca đầu tiên, ổ dịch Vân Đồn cơ bản được kiểm soát sau 6 ngày; ổ dịch Chí Linh cơ bản được kiểm soát sau 8 ngày. |
Ý kiến bạn đọc (0)