Về thăm đất Nội Bàng Anh hùng
Đình Nội Bàng. Ảnh: Thanh Hải. |
Sử sách đã ghi, từ phía Bắc, giặc Nguyên chia làm hai mũi thọc đánh nước ta. Một đạo quân từ Nam Quan tiến qua lưu vực sông Thương vượt vùng Kinh Bắc. Đạo quân thứ hai do Thoát Hoan - con Hoàng đế Hốt Tất Liệt - chỉ huy qua Lộc Bình (Lạng Sơn), Sơn Động, Lục Ngạn (Bắc Giang) để về Lục Đầu Giang hợp cùng thủy quân từ biển tiến vào. Hai đạo quân này đều thẳng tới kinh đô Thăng Long với kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh.
Biết được ý định của địch, nhất là sau cuộc xâm lăng lần thứ nhất năm 1257, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã xây dựng phòng tuyến Lạng Sơn và Xa Lý - Nội Bàng (Lục Ngạn). Đích thân Hưng Đạo Vương đặt đại bản doanh tại Nội Bàng và trực tiếp chỉ huy. Ngày 2-2-1285, quân địch ồ ạt tiến đánh, quân dân ta đã chiến đấu rất dũng cảm. Trước lực lượng quá mạnh của địch, theo kế hoạch định sẵn, Trần Quốc Tuấn cho quân vượt núi trở lại Vạn Kiếp. Chính tướng Yết Kiêu đã mang quân tới cứu thoát được Hưng Đạo Vương. Đầu tháng 2-1288, 5 nghìn giặc Nguyên hộ tống bọn phản quốc, đầu hàng giặc như Lê Trắc, Lê An, Nguyễn Lĩnh, Trần Ích Tắc để đưa trở về Trung Quốc. Bọn giặc đã sa vào thế trận bày sẵn của dân binh và quân chủ lực nhà Trần ở Nội Bàng. Chúng bị đánh tan tác. Lê Trắc dẫn 60 kỵ binh còn sống sót cố áp tải bọn Việt gian chạy trốn qua Lộc Bình.
Tháng 4 năm đó, đội quân Nguyên trên đường rút chạy về nước lại lọt vào trận địa phục kích tại Nội Bàng đã bị thiệt hại nặng nề. Giặc cố sức chống cự, liều chết mở đường máu cho đội quân Thoát Hoan thoát khỏi. Một cây cầu nhỏ bé ở giữa thôn đã được người dân hồi đó đặt tên là cầu Hôi vì xác giặc nằm ngổn ngang từng đống dù đã được lấp vẫn có mùi hôi thối từ xa. Ngày nay, tên cầu vẫn được giữ.
Khu tâm linh Nội Bàng gồm đình, đền, chùa nằm lọt thỏm trong rừng vải thiều xanh ngắt. Đình Nội Bàng được xây dựng ở đầu thế kỷ XIII. Do chiến tranh và thời gian, đình xưa cũng như chùa, đền đã đổ nát, mới được trùng tu khang trang dù không được nguyên gốc như xưa. Cổng đình được đắp nổi liên đối: Bác ái vị tha vạn cổ tồn/ Từ bi nhân nghĩa thiên thu tại (dịch: Bác ái vị tha tồn tại mãi mãi/ Từ bi nhân nghĩa ngàn thu không mất). Đình thờ Cao Sơn, Quý Minh là những tướng tài giỏi thời Hùng Vương đã có công đánh giặc xâm lược. Đình được phục dựng năm 2010. Sau đình là chùa, chếch bên đình là đền. Thời chống thực dân Pháp, đình, chùa là nơi chữa chạy cho thương binh, địa điểm hội họp, tập kết của bộ đội, du kích. Đình và chùa Nội Bàng đều được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hằng năm, cứ tới ngày 16 tháng 2 (âm lịch), nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của các danh thần, trong đó có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Ông Phạm Xuân Tuy, Trưởng Ban Mặt trận thôn cho biết, thôn Bình Nội có 256 hộ với hơn 1 nghìn nhân khẩu gồm người dân tộc Kinh, Sán Dìu, Tày, Nùng. Thôn có diện tích hơn 1.300ha đều được trồng cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều. Nhờ cây ăn quả, người dân địa phương có cuộc sống sung túc, nhiều gia đình thu từ 200 triệu đồng trở lên đến hơn 1 tỷ đồng/năm. An ninh trật tự bảo đảm, nhiều năm liên tục thôn được công nhận danh hiệu văn hóa.
Đỗ Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc (0)