Vang mãi khúc quân hành
BẮC GIANG - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà giáo đã tạm biệt mái trường, tình nguyện tòng quân chiến đấu ở nhiều mặt trận, góp công sức vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Xếp bút nghiên lên đường đánh giặc
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng chống Mỹ cứu nước vẫn còn nguyên trong tâm trí những nhà giáo - chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc. Trở lại mái trường năm xưa trên mảnh đất Tân Yên, ông Ngô Văn Sích, Trưởng Ban Liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc bồi hồi kể: Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn ác liệt, Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc được thành lập ngày 20/7/1967 tại huyện Tân Yên theo sáng kiến của nhà giáo Ngô Trí Nhạ, Trưởng Ty Giáo dục Hà Bắc lúc bấy giờ.
Các thầy giáo - chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc trong ngày gặp mặt. |
Đại đội có 155 người, gồm các thầy giáo đang dạy cấp 1, cấp 2 (nay là tiểu học, THCS) và các giáo sinh Trường Sư phạm 10+2 Xuân Hòa (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) sơ tán về xã Việt Ngọc, Trường Sư phạm 7+3 Hà Bắc (nay là Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang). Các thầy giáo nhập ngũ vào Đại đội 46, Tiểu đoàn 405, Trung đoàn 568. Là những nhà giáo đứng trên bục giảng, bước vào huấn luyện, ai cũng gương mẫu, chấp hành nghiêm kỷ luật. Sau 6 tháng tập luyện, các chiến sĩ hành quân vào chiến trường Trị Thiên - Huế và được bổ sung vào các đơn vị đặc công, bộ binh. Một số người nhận nhiệm vụ tại cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, trinh sát... của Thành đội Huế.
Tại chiến trường, ngay trận đánh đầu tiên, 7 nhà giáo của Đại đội Ngô Gia Tự đã anh dũng hy sinh. Sau đó, nhiều người bị địch bắt, tra tấn dã man. Một số nhà giáo như: Giáp Văn Mạo, Hà Công Lý, Phạm Văn Hiệp, Đinh Văn Học từng bị địch đày ra Côn Đảo và chịu sự tra tấn man rợ nhưng vẫn không khai để bảo vệ mình và đồng đội. Có thầy giáo bị địch bắt, tẩm xăng thiêu sống như thầy Nguyễn Văn Tưởng. Hay như chiến sĩ Nguyễn Văn Dư được giao phụ trách tổ trinh sát đã cùng đồng đội tiêu diệt nhiều lính Mỹ. Quân địch trả thù bằng cách mỗi ngày bắt và giết một người dân ở những ngôi làng xung quanh. Trước nỗi đau thương của người dân, thầy Dư đã ra gặp quân địch yêu cầu không được sát hại người dân vô tội và hy sinh trước họng súng của quân thù. Khó có thể kể hết những tấm gương anh dũng của những thầy giáo - chiến sĩ kiên trung.
Luôn giữ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Tham gia chiến đấu, Đại đội có 70 nhà giáo hy sinh, nhiều người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Những người còn sống trở về hầu hết mang trong mình thương tật hoặc nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều thầy giáo trở về với bục giảng tiếp tục sự nghiệp "trồng người", người ở lại quân ngũ, người chuyển ngành hoặc trở về lao động sản xuất. Ở cương vị nào, những nhà giáo của Đại đội ngày ấy vẫn luôn giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao quà cho gia đình các thầy giáo - chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc. |
Niềm vui lớn của bao thế hệ học trò ở nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh ngày ấy là được đón các thầy cô trở lại mái trường xưa. Như nhà giáo Nguyễn Chí Thu trở lại giảng dạy tại Trường THCS Bắc Lý (Hiệp Hòa) năm 1975. Cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, thầy phấn đấu trở thành Hiệu trưởng Trường THCS Đông Lỗ. Hiện thầy Thu đã nghỉ hưu tại quê nhà. Trở về giảng dạy ở nhiều ngôi trường tại huyện Tân Yên, thầy giáo Nguyễn Xuân Chúc được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”. Các thầy đã đưa vào bài giảng những bài học về truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, giúp các em thêm yêu môn học Lịch sử và trân trọng chiến công của cha anh. Mới đây, thầy giáo, thương binh nặng Giáp Văn Mạo, xã Song Mai (TP Bắc Giang) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, nhiều thầy giáo trở về với bục giảng tiếp tục sự nghiệp "trồng người", có người ở lại quân ngũ, người chuyển ngành hoặc trở về lao động sản xuất. Dù ở cương vị nào, những nhà giáo của Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc ngày ấy vẫn luôn giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ". |
Hiện các nhà giáo của Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc đều đã cao tuổi, những người còn sống hằng năm vẫn gặp mặt ôn lại kỷ niệm về một thời hào hùng. Ban Liên lạc Đại đội thường xuyên thăm hỏi các gia đình thầy giáo liệt sĩ, thương binh nặng. Mới đây, Ban Liên lạc đã đến thăm gia đình liệt sĩ Vũ Đình Mai ở xã Nghĩa Trung (Việt Yên); gia đình liệt sĩ Nguyễn Tố Uyên, xã Đồng Sơn; thương binh nặng Giáp Văn Mạo, xã Song Mai; thương binh nặng nhiễm chất độc da cam Nguyễn Hồng Thanh, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang).
Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tháng 7 hằng năm, đại diện lãnh đạo Sở và Công đoàn Giáo dục Bắc Giang đều tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình nhà giáo là thương binh, liệt sĩ thuộc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự để bày tỏ lòng biết ơn những người thầy đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong giờ học ngoại khóa, nhiều trường đã mời các nhà giáo của Đại đội Ngô Gia Tự tham gia trò chuyện với học sinh để các em hiểu rõ hơn về giá trị, ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, trong đó có đóng góp của những nhà giáo”.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)