Vân Cầu - nơi ghi dấu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang
Mốc son lịch sử
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất họp từ ngày 18 đến hết ngày 24/6/1948 tại làng Vân Cầu, xã Hồng Kiều, huyện Yên Thế, nay là thôn Giếng, xã Song Vân (Tân Yên). Ở kỳ Đại hội đầu tiên này, hơn 150 đại biểu đại diện cho hơn 2 nghìn đảng viên của các chi bộ, đảng bộ cơ sở về dự. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 11 ủy viên, trong đó có 2 ủy viên dự khuyết và thông qua danh sách 21 đại biểu đại diện cho Đảng bộ đi dự Đại hội Đảng bộ Liên khu I. Đồng chí Lê Hoàng, Khu ủy viên được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
![]() |
Thôn Giếng, xã Song Vân (Tân Yên) nay đã có nhiều tuyến đường được mở rộng, bê tông hóa. |
Cụ Nguyễn Văn Sướng - một trong những người được chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng đó nay đã ở tuổi 89, đang sinh sống tại thôn cùng con cháu. Theo lời cụ kể thì đất đai của gia đình ông Lý Sắc và Lý Phần ở làng Vân Cầu liền khoảnh, lại sẵn có nếp nhà gỗ lim to rộng... là địa điểm, điều kiện tốt cho việc tổ chức Đại hội nên được lựa chọn. Nhà hai ông ngoảnh hướng Đông Nam, phía trước có ao lớn thông ra cánh đồng, cách cổng làng và đường cái chỉ khoảng 100m. Trong hai khu nhà này, Đại hội diễn ra ở nhà ông Lý Phần, còn khu nhà ông Lý Sắc là nơi các đại biểu tập kết trước khi vào dự.
Viết tiếp niềm tự hào
Tự hào với truyền thống lịch sử, nhân dân thôn Vân Cầu xưa (nay là thôn Giếng) luôn ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Trò chuyện với đồng chí Tạ Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Giếng với 13 đảng viên được biết: Nhiều năm qua, Chi bộ đã khẳng định được vai trò của tổ chức cơ sở đảng, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế. Mỗi đảng viên đều được phân công nhiệm vụ phụ trách từ 7-8 hộ, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đơn cử như việc làm đường giao thông nông thôn. Để bà con đồng thuận hiến gần 500m2 đất, một số đảng viên đã đi đầu phá bỏ tường bao, công trình phụ, hiến đất thổ cư để mở rộng đường. Từ sự nêu gương đó cùng với tích cực tuyên truyền, kết hợp tranh thủ hỗ trợ của cấp trên, năm vừa qua, thôn Giếng đã làm được gần 2km đường giao thông. Ông Tạ Văn Huynh, Trưởng thôn chia sẻ: Mặc dù là thôn thuần nông nhưng với sự năng động, chịu khó, người dân nơi đây ngoài canh tác lúa còn trồng rau màu vụ đông như ngô ngọt, lạc, khoai tây... Thôn đã dồn đổi được 25 ha, giá trị sản xuất mỗi năm đạt hơn 138 triệu đồng/ha. Nhờ đó số hộ có thu nhập khá, giàu tăng nhanh; thu nhập bình quân đầu người gần 40 triệu đồng.
Từ định hướng đúng trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân được nâng lên. Số hộ nghèo của thôn chỉ còn 7/191 hộ. Thôn Giếng nay đã có nhiều đổi thay, đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch đẹp. Đồng chí Tạ Kim Tiệp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Song Vân cho biết: Tự hào với truyền thống lịch sử, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bia lưu niệm nơi ghi dấu sự kiện lịch sử là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau về lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà. Vẹn niềm tin với Đảng, nhân dân nơi đây sẽ tiếp tục vững bước đi lên, tiếp nối truyền thống của quê hương cách mạng.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)