Tục thờ trâu trong văn hóa tín ngưỡng
Trong đời sống, ngoài việc cung cấp thực phẩm cho con người, trâu còn giúp người dân cày cấy, sản xuất, trâu kéo gỗ, trâu đánh giặc giữ nước… Xưa kia vào thời khắc đón giao thừa, khi pháo nổ, người nông dân có phong tục ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không.
Ngoài ra, sừng trâu là biểu tượng của sức mạnh. Người xưa đã chế tác sừng trâu thành chiếc tù và dùng để báo động và kích thích quân sĩ khi lâm trận. Da trâu để bịt mặt trống, để cầu mưa người ta đánh trống giả tiếng sấm. Trong tín ngưỡng của người Việt cổ, khi đắp đê, họ còn đúc tượng trâu bằng kim loại rồi thả xuống sông, hồ hoặc chôn xuống đất để trấn sơn trị thủy...
Chạm hình con trâu ở kiến trúc đình Khả Lý Hạ (Việt Yên). |
Trâu không chỉ hiện diện trong tranh dân gian mà còn xuất hiện trong điêu khắc, kiến trúc gỗ đình làng... Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) có chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ. Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Khả Lý Hạ (Việt Yên) còn lưu giữ bức chạm khắc hình trâu trên cấu kiện kiến trúc gỗ.
Bức chạm trâu kéo cày ở nghè Mẫu Sơn (Lục Nam) cũng là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian đẹp ở thế kỷ 18. Nhìn tổng thể bức chạm giống như một bức tranh "canh nông chi đồ" (công việc nhà nông) thu nhỏ mà điểm nhấn là người đàn ông lực điền vạm vỡ và con trâu đang cày ruộng.
Trong lễ hội xuân ngưu của người Việt, phổ biến ở nhiều vùng trong tỉnh Bắc Giang, trâu là biểu tượng của mùa xuân, của sự tái hồi. Nhiều địa phương có hội chọi trâu là để cầu mong thịnh vượng và hạnh phúc cho con người, cầu mong có được sức khỏe như trâu. Con trâu cũng xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân.
Hội làng Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) có lệ tế thần Thành Hoàng bằng trâu sống. Đền làng Phú Khê thờ Quận công Nguyễn Công Luận, người có nhiều công lao với dân với nước, ông có tiền của công đức cho làng xây dựng đình, chùa, được dân làng tạc bia ghi công và tôn làm Hậu Thần thờ trong đền. Ngày 10-11 âm lịch hằng năm, làng có lệ tế thần bằng trâu sống.
Con trâu từ đời thực gắn với công việc đồng áng của người nông dân đã đi vào cuộc sống văn hóa tinh thần. Việc thờ trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân nơi đây. |
Vào ngày sự lệ, dân làng chọn một con trâu đen dùng làm vật tế. Trâu tế được nuôi trong điều kiện đặc biệt và được làng tắm bằng nước gừng sạch sẽ. Khi tế, con trâu này được dắt ra phía trước cửa đình, đền, nơi có bia đá và phiến đá to dùng làm bệ tế trâu. Trâu tế được dắt đi ba vòng quanh tấm bia đá. Dân làng đứng xung quanh làm lễ vái trâu và bia đá, tỏ lòng thành kính.
Hội làng Nội Ninh (Việt Yên) cũng có tục tế thần bằng trâu sống. Làng Nội Ninh thờ Đức Thánh Tam Giang và thờ ông Phạm Đức Tiến, người có nhiều công lao với dân làng. Ngày hội lệ, làng chọn một con trâu sống làm vật tế thần. Trâu tế được buộc ở gốc đa phía trước cửa đình. Quan viên trong làng mặc trang phục tế truyền thống đi vòng quanh làm lễ tế thần theo hiệu lệnh của quan cai đám.
Nghi lễ tế trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang ngoài mục đích tạ ơn thần linh, còn mang tính chất triết lý vũ trụ âm dương, luân chuyển giữa mùa khô và mùa mưa. Đó là ước vọng của người nông dân cầu cho mưa thuận gió hòa để có mùa màng bội thu.
Như vậy, con trâu từ đời thực gắn với công việc đồng áng của người nông dân đã đi vào cuộc sống văn hóa tinh thần. Việc thờ trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân nơi đây. Với vai trò ấy mà biểu tượng trâu đã đi vào năm, tháng, ngày, giờ trong lịch mười hai con giáp của người Việt.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)