Tục "cúng sống" của người Nùng
Một lễ "cúng sống" của người Nùng ở Bãi Lời. |
Phong tục của người Nùng ở thôn Bãi Lời là không cúng giỗ ông bà, tổ tiên. Ông Hứa Viết Trung, người dân tại đây cho biết: "Dân tộc tôi có phong tục không cúng người đã khuất mà chỉ "cúng" người sống. Chúng tôi tin rằng, người đã chết không thể ăn được nên việc cúng đồ lễ sẽ không còn cần thiết và ý nghĩa. Lễ này nhất thiết phải do con gái đứng ra tổ chức bởi người Nùng cho rằng, con gái khi "xuất giá tòng phu" phải toàn tâm toàn ý gánh vác công việc nhà chồng. Công việc bận rộn khiến phụ nữ không còn thời gian để về thăm cha mẹ đẻ. Đến khi cha mẹ già, ốm bệnh hoặc đột ngột nhắm mắt xuôi tay thì lúc ấy, con gái có muốn cũng không thể nào giúp đỡ bố mẹ được nữa. Chính vì vậy, người Nùng đã đặt ra tục lệ "cúng sống".
Thay vì nhớ ngày để cúng giỗ bố mẹ, ông bà tổ tiên sau khi họ mất đi, con cháu sẽ phải nhớ ngày sinh của bố mẹ để tổ chức sinh nhật. Khi bố hoặc mẹ bước sang tuổi 61, các con kể cả trai và gái sẽ phải có trách nhiệm tổ chức sinh nhật cho bố mẹ, trong đó con gái đã đi lấy chồng sẽ có trách nhiệm lo về tài chính. Các con bàn bạc trước với bố mẹ làm bao nhiêu mâm, thịt bao con lợn, gà, trâu mời họ hàng, làng xóm đến ăn chúc mừng.
Tuy nhiên không nhất thiết mỗi năm tổ chức một lần như cúng giỗ người đã mất mà lễ "cúng sống" chỉ được tổ chức vào một năm thích hợp do "thầy then" (thầy cúng của người Nùng) chọn. Ít nhất các con phải tổ chức cho cả bố và mẹ mỗi người ba lần, có thể liên tiếp trong ba năm liền, cũng có thể ngắt quãng tùy vào điều kiện kinh tế và sự thống nhất của các con. Gia đình nào có bao nhiêu con gái đã lập gia đình sẽ lần lượt phân chia tổ chức sinh nhật cho bố mẹ. Trong trường hợp không có con gái hoặc ít thì mới đến lượt con trai làm việc này.
Lễ "cúng sống" theo tiếng Nùng gọi là "khay khoăn" (nghĩa là mở cửa hồn). Người Nùng gọi hồn là "khoăn" (khi hồn còn gắn bó với thể xác, còn khi hồn thoát khỏi thể xác gọi là "phi"). Tổ chức "cúng sống" cho bố mẹ là cầu chúc để hồn không bỏ đi, bố mẹ được thượng thọ hơn. Nội dung các bài khấn "then" trong lễ "cúng" có nội dung cầu mong "khoăn" luôn hòa hợp với "phi". Trong khi cúng lễ, con cháu của người được cúng liên tục mang gạo để "thầy then" cho vào một chiếc rổ con gọi là lễ "Pủ lường", nghĩa là góp lương thực vào kho để bồi dưỡng sức khỏe cho bố mẹ sống lâu.
Lễ cúng gần như trở thành một lễ hội. "Nghệ sĩ" là các “thầy then” ôm đàn tính say sưa hát và đông đảo khán giả ngồi vây quanh sân khấu nghe. Sau một đêm miệt mài, "thầy then" kết thúc công việc. Gia chủ và khách khứa cùng ăn uống vui vẻ. Vào ngày này, các bậc cha mẹ được "cúng sống" thường cố gắng ăn uống thật nhiều để đáp lại tấm chân tình của con gái. Sau này khi người được cúng qua đời, ban thờ Mụ của họ sẽ được chôn theo. Người dân ở đây không tổ chức cúng giỗ tổ tiên về bởi lẽ họ quan niệm, chết không phải là kết thúc mà là bước vào một cuộc sống khác. Cũng trong suy nghĩ của bà con, người nào được con cái tổ chức lễ "cúng sống" với số lượng càng nhiều thì càng có phúc.
Có nhiều cách thể hiện lòng hiếu kính với bề trên và người Nùng ở đây đã chọn một cách giản dị nhưng cũng thật đặc biệt. Thay vì tốn kém đổ tiền bạc tổ chức những đám cúng, giỗ sau khi cha mẹ rời khỏi trần thế thì người Nùng lại chăm sóc chu đáo bậc sinh thành ngay khi còn sống với một tư duy chất phác nhưng tích cực là: "Sống mới hưởng thụ được, chết rồi sao hưởng thụ được nữa".
Huy Hoàng
Ý kiến bạn đọc (0)