Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Đỗ Văn Quýnh
Theo các thư tịch cổ, Tiến sĩ Đỗ Văn Quýnh SN 1492, ở làng quê giàu truyền thống hiếu học, 29 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520) đời vua Lê Chiêu Tông, làm quan đến chức Thừa chánh xứ, Quốc Tử Giám tư nghiệp.
Du khách tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội. Ảnh Internet. |
Từ năm 1500-1520 triều đình ra lệnh cho các nho sinh đã đỗ cử nhân phải lên kinh đô học tập trước ngày thi Hội ở Quốc Tử Giám. Đỗ Văn Quýnh cũng phải lều chõng lên kinh đô ôn luyện. Tại đây, ông cũng như các giám sinh, nho sinh, sinh đồ cứ ngày rằm, mồng một hằng tháng phải mặc mũ áo đến điểm mục đúng như phép.
Giai đoạn từ năm 1520 trở đi, sau cuộc dấy binh của Trần Cảo- Trần Cung, triều đình nhà Lê đã đi vào ổn định. Ngoài việc dẹp nốt các tàn dư binh lửa, triều đình đã cho mở khoa thi Hội vào tháng 4 - 1520. Đỗ Văn Quýnh cùng các sĩ nhân trong nước lại tề tựu tại kinh đô dự thi. Về cuộc thi này, sách Đại Việt sử ký toàn thư tập 4 chép: “Mùa hạ tháng 4, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ nhóm Nguyễn Bật 14 người (Bật người Nghệ An thi Đình đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân). Khi thi Đình, vua thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về nhân tài...
Nhóm Đặng Công Toản, Nguyễn Bật 13 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân”. Đỗ Văn Quýnh là người cùng đỗ với 13 người trong nhóm Đặng Công Toản và Nguyễn Bật. Tên tuổi của ông được ghi vào bảng vàng ở điện Đông Loan và được cho vinh quy bái tổ. Sau đó về triều nhậm chức.
Cuộc đời làm quan của ông tận tụy, cần mẫn. Do đó Đỗ Văn Quýnh đã được thăng tới chức Thừa Chánh sứ, Quốc Tử Giám tư nghiệp. Sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo cũng cho biết, ông từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Tế tửu và Tư nghiệp là hai chức quan đứng đầu Quốc Tử Giám. Đây là hai cơ quan đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bậc cao nhất của nhà nước phong kiến Việt Nam.
Với chức này, Đỗ Văn Quýnh có trách nhiệm phụng mệnh coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, hằng tháng theo đúng kỳ cho tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp cho đất nước. Bổng lộc của Đỗ Văn Quýnh theo định lệ ở mức tòng tứ phẩm 44 quan tiền một năm được dùng mũ lương, võng ba đòn sơn đen, yên ngựa sơn son thếp thau. Ở ngoài thành được thêm một cái dù mưa màu xanh có diềm. Khi vào chầu được đem theo 2 người hầu.
Mặc áo thường dùng gấm vóc, mâm cơm sơn son có chữ vàng. Lồng bàn đan bằng tre, son tía, núm nhọn, hòm xiểng sơn đen thay chỉ vàng… Như vậy, từ lúc thi đỗ đạt đến cuối đời, Đỗ Văn Quýnh làm quan tại Quốc Tử Giám với nhiệm vụ dạy dỗ sĩ tử học hành. Đó là công việc rất cần thiết để đào tạo nhân tài cho đất nước.
Trong số 58 nhà khoa bảng tỉnh Bắc Giang thời phong kiến, có 5 vị được các vương triều giao cho giữ chức vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám trong đó có Tiến sĩ Đỗ Văn Quýnh. Ngày nay, để ghi nhớ một danh nhân khoa bảng, tại TP Bắc Giang đã có đường mang tên Đỗ Văn Quýnh thuộc phường Xương Giang.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)