Từ cô bé rửa bát ở quán phở thành Tiến sĩ Vật lý nổi tiếng trời Tây
Từ một cô bé 12 tuổi phải đi làm thuê và từng chịu cảnh đói rét vì thiếu ăn, thiếu mặc, chính H’Linh cũng không ngờ, sau này mình có thể trở thành một Tiến sĩ Vật lý, giảng dạy tại ngôi trường đại học lớn nhất khu vực Mỹ Latinh.
Cho tới bây giờ, Tiến sĩ H’Linh Hmok (1987), công tác tại Đại học Quốc gia Tự trị Mexico (UNAM) vẫn cảm thấy may mắn vì tuổi thơ thường xuyên phải đến trường với chiếc bụng đói. Chính khó khăn ấy đã tôi luyện cho cô ước mơ và nghị lực mạnh mẽ để thoát khỏi cái nghèo.
![]() |
Tiến sĩ H’Linh Hmok. |
Chưa một lần có quần áo mới để mặc trong ngày khai trường
Sinh ra trong gia đình có 4 người con tại thị trấn Ea Drăng (Ea H’leo, Đắk Lắk), những năm tháng tuổi thơ của H’Linh đều “gắn” với cái nghèo. Dẫu vậy, không lúc nào H’Linh muốn bỏ học.
Không có tiền mua vở, H’Linh xin những quyển viết dở của các anh chị trong xóm, đem về gom trang giấy còn trắng để khâu thành vở viết bài. Trong suốt những năm đi học, H’Linh chưa một lần có quần áo mới để mặc trong ngày khai trường.
Tới khi lên lớp 6, vào mùa hè, cô bé lại xin đi nhổ cỏ, lượm cà phê, rửa chén bát cho quán bún phở để có tiền mua sách bút. Dù làm gì, H’Linh đều tranh thủ học bài.
“Thời điểm học cấp 1, cấp 2 thiếu thốn đủ thứ, nhưng tôi không thấy mình khổ. Tôi nhớ ngày 20/11, biết hoàn cảnh của tôi, có thầy cô còn tặng lại tôi những quyển vở mới và những lời động viên. Những hành động ấy giúp tôi cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô, từ đó tạo động lực để bản thân cố gắng mỗi ngày”, cô nhớ lại.
Nhờ nỗ lực học hành, H’Linh thi đỗ Trường Phổ thông Trung học Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng. Quãng thời gian ở ngôi trường này “như mở ra một cuộc sống mới” cho H’Linh. Tại đây, cô bé Ê đê không mất tiền ăn học, lại được trợ cấp 160.000 đồng/tháng.
“Tôi vô cùng biết ơn những năm tháng học tập tại ngôi trường này. Tại đây, tôi không còn phải lo lắng về cái ăn hay thiếu thốn sách vở. Chính ngôi trường đã thắp lên trong tôi những khát khao cháy bỏng về một tương lai tươi sáng hơn. Chính từ đây, tôi nhận ra giáo dục là con đường ngắn nhất để thoát khỏi nghèo đói”.
Vốn có thế mạnh về Vật lý, từng đạt giải học sinh giỏi tỉnh ở môn này, H’Linh sau đó quyết tâm thi và trúng tuyển vào ngành Sư phạm Vật lý của Đại học Tây Nguyên. Với thành tích học tập xuất sắc, sau 1 học kỳ, H’Linh Hmok được Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD-ĐT) cấp học bổng toàn phần trong 6 năm để học ngoại ngữ và chuyên ngành Vật lý tại Đại học Tổng hợp La Habana (Cuba).
Cơ hội đến bất ngờ nhưng cũng là thời điểm bố đột ngột qua đời. Gia đình H’Linh khi ấy lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Cô gái 19 tuổi không biết cách nào xoay sở tiền làm hồ sơ du học.
“Mùa hè năm ấy, tôi đi dọn cỏ thuê ở các rẫy cà phê với tiền công 20.000 đồng/ngày. Trong khi đó, riêng tiền dịch giấy tờ sang tiếng Tây Ban Nha cũng hết vài triệu đồng. Tôi khóc trong tuyệt vọng vì không biết phải làm thế nào. Nhưng rồi, tôi nghĩ đến bố mẹ - những người dù hoàn cảnh nghèo, khó nhưng luôn đề cao việc học, tôi hiểu rằng mình không thể từ bỏ ước mơ”, TS H’Linh Hmok hồi tưởng.
Sau đó, H’Linh nói với mẹ về việc nhờ bà vay giúp một ít tiền để lên thành phố. Với số tiền ít ỏi đó, H’Linh đón xe đò vượt 100 cây số lên thành phố Buôn Ma Thuột, cầm theo giấy báo trúng tuyển, “gõ cửa” Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh nhờ sự giúp đỡ.
Biết hoàn cảnh của H’Linh, cô Mai Hoa Niê KĐăm - khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đã vận động được 10 triệu đồng để hỗ trợ H’Linh làm hồ sơ du học. Đây là nguồn động viên giúp H’Linh tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Xuất phát điểm không quyết định tương lai của mỗi người
Tháng 10/2006, H’Linh đặt chân tới Cuba theo học chuyên ngành Vật lý tại Đại học La Habana - ngôi trường duy nhất đào tạo chương trình cử nhân Vật lý ở đất nước này khi ấy.
“Sinh viên theo học ngành cử nhân Vật lý ở đây đều rất giỏi. Nhiều bạn đã giành giải cao trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế về vật lý, hoặc là con của các tiến sĩ trong ngành Vật lý, trong khi tôi vẫn đang chật vật với việc làm quen với tiếng Tây Ban Nha”, H’Linh Hmok nhớ lại.
Vừa học ngôn ngữ, vừa học chuyên ngành tuy vất vả, nhưng cũng nhờ môi trường cạnh tranh, cô gái Việt dần nâng cao năng lực, bắt đầu tham gia nghiên cứu và viết các bài báo khoa học.
Năm 2012, H’Linh tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi. Từ luận văn đại học, cô đã sở hữu 2 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Sau đó, cô tiếp tục nhận học bổng toàn phần từ Hội đồng Quốc gia về Khoa học và Công nghệ của Mexico để học thạc sĩ và tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Đại học Ensenada (CICESE) và Trung tâm Khoa học Nano và Công nghệ Nano thuộc Đại học Quốc gia Tự trị Mexico (CNYN-UNAM).
![]() |
H’Linh tốt nghiệp tiến sĩ tại Mexico năm 2019. |
H’Linh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Mexico từ tháng 5/2019. Hiện tại, cô làm nghiên cứu sau tiến sĩ và là giảng viên tại Đại học Quốc gia Tự trị Mexico, với học hàm gần tương đương phó giáo sư.
Vì bố mất liên quan đến sự độc hại của chì, một phần quan trọng trong các nghiên cứu của mình sau này, TS H’Linh Hmok tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các vật liệu ferroics và multiferroics không chứa chì. Đây là hướng nghiên cứu nhằm giảm thiểu tác động độc hại của kim loại này đối với sức khỏe con người và môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết bị điện tử và cảm biến thông minh.
Sau gần 20 năm học tập và làm việc tại nước ngoài, TS H’Linh Hmok chia sẻ “dù đi xa đến đâu, cội nguồn vẫn là nơi tôi luôn hướng về”. Vì vậy, mong muốn của cô gái Tây Nguyên là sớm được trở về Việt Nam, dùng kiến thức, trải nghiệm của mình để lan tỏa giá trị cho cộng đồng.
“Tôi mong rằng, qua câu chuyện của mình, tôi có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đang đối mặt với hoàn cảnh khó khăn. Hãy tin rằng giáo dục chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thay đổi số phận.
Xuất phát điểm không quyết định tương lai của mỗi người. Dù bắt đầu từ đâu, bạn vẫn có thể vươn tới những điều lớn lao, miễn chủ động tìm kiếm cơ hội, dấn thân và kiên trì bước đi. Mỗi bước nhỏ hôm nay chính là nền tảng cho một tương lai rạng ngời và tốt đẹp hơn”, TS H’Linh Hmok chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc (0)