Từ cán bộ phạm luật, nghĩ về chữ LIÊM
Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (năm 2019) quy định nguyên tắc đầu tiên trong 5 nguyên tắc khi thi hành công vụ là: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”. Vậy nên, khi cán bộ vi phạm nguyên tắc này, tùy theo mức độ khác nhau mà có hình thức kỷ luật tương ứng. Thế nên, việc cán bộ bị bắt có khi lại là điều tốt, bởi đã loại bớt những “con sâu” trong bộ máy công quyền.
Thế nhưng việc chỉ trong thời gian ngắn, tại nhiều địa phương, liên tiếp xuất hiện thông tin về cán bộ đương chức và không còn đương chức vướng vòng lao lý thì rõ ràng là đáng suy nghĩ. Chỉ trong nửa giây, trang tìm kiếm thông tin lớn nhất thế giới Google đã cho ra 23,1 triệu kết quả có liên quan đến từ khóa “cán bộ bị bắt”. Tất nhiên, đó không phải là 23,1 triệu cán bộ bị bắt, mà rất nhiều trong số đó là kết quả trùng lặp, là cùng một hoặc nhóm đối tượng nhưng có nhiều thông tin đăng tải khác nhau... Nhưng đọc qua cũng dễ thấy rằng, đó là những kết quả chính xác, được đăng tải bởi các cơ quan báo chí chính thống.
Cán bộ bị bắt vì lý do gì? Lướt nhanh cũng rất dễ nhận thấy, đó là vì tham ô, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhận tiền “bôi trơn”, “chạy án”, nhận tiền “làm nhanh” sổ đỏ, “vòi tiền”, vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước... Tại sao cán bộ bị bắt? Câu trả lời chung nhất, là họ vi phạm pháp luật, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, đánh mất mình khi thấy vật chất đã làm lóa mắt, bất chấp mọi thước đo, quy chuẩn, luật pháp mà làm liều. Đau đớn hơn, cán bộ bị bắt ở nhiều vụ không chỉ là 1 người, mà là nhiều, hàng loạt... Sự vi phạm pháp luật không chỉ dừng lại ở cá nhân nữa, mà đã lây lan ra cả tập thể. Xin lấy một ví dụ mới đây. Ngày 18/2/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang đồng loạt bắt, khám xét đối với 9 bị can là lãnh đạo, cựu lãnh đạo tại huyện Chợ Mới để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”. Cụ thể, một số cán bộ, lãnh đạo huyện Chợ Mới đã cấu kết với đơn vị thi công cắt xén công trình, chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng của nhà nước...
Mới đây, ngày 3/3, Công an Đà Nẵng cho biết mở rộng điều tra vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, qua đó bắt giữ Phạm Thị Huỳnh Như (36 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Công an Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam một số cán bộ có liên quan, trong đó có cả cựu hiệu trưởng do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Theo thống kê, tổng số tiền bị thất thoát, tham ô, chiếm đoạt xảy ra tại trường đại học này hiện đã gần 136 tỷ đồng...
Còn rất nhiều vụ việc khác xảy ra trên địa bàn cả nước, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cán bộ bị bắt, đó là điều đau lòng, bởi không ai muốn cán bộ của mình, nhất là cán bộ cấp cao, có ảnh hưởng lớn tới ngành, địa phương vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự. Đau lòng hơn khi biết rằng số tiền các cán bộ gây thất thoát, lãng phí là rất lớn. Dư luận còn căm phẫn khi không ít cán bộ biết rõ là sai phạm nhưng vẫn lờ đi, “nhắm mắt” ký trình, phê duyệt nhằm tư lợi cá nhân, thu vén cho nhóm lợi ích. Điều ấy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân vào bộ máy công quyền, vào những “đầy tớ”, “công bộc của dân”…
Còn rất nhiều vụ cán bộ bị bắt khác, rất đa dạng về sự vi phạm pháp luật, trên nhiều lĩnh vực. Điều ấy cho thấy sự nhức nhối của tình trạng cán bộ “nhúng chàm” khi lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp của mình để thực hiện các hành vi phạm pháp khác nhau, nhằm thu lợi bất chính, thậm chí rất phản cảm, tàn ác. Cán bộ bị bắt là những cán bộ đánh mất mình. Chắc chắn, họ đã không tu dưỡng, rèn luyện, tha hóa đạo đức, đặc biệt là không giữ được chữ LIÊM, không học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhân việc nhiều cán bộ bị bắt thời gian gần đây, cũng nên xới xáo, luận bàn thêm về chữ LIÊM của người cán bộ trong bối cảnh hiện nay. Để thấy, việc tu dưỡng, rèn luyện thực hành sự liêm chính là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6/1949 (từ 30/5 đến 2/6), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 4 bài báo đăng trên Báo Cứu quốc với bút danh Lê Quyết Thắng, với 4 câu hỏi đơn giản được lấy làm tiêu đề rằng: Thế nào là cần? Thế nào là kiệm? Thế nào là liêm? Thế nào là chính? Bốn bài báo sau này được in trong cuốn sách “Hồ Chí Minh: Về đạo đức cách mạng” (Nxb. Chính trị Quốc gia, 2008, từ trang 37 đến trang 55), với tiêu đề chung là “Cần kiệm liêm chính”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đơn giản rằng, “LIÊM là trong sạch, không tham lam”. Bác cũng cho rằng, “chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM. Cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN. Có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất LIÊM. Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư... là bất LIÊM”. Bác cũng chỉ ra rằng, việc “Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm)... là làm trái với chữ LIÊM”.
Rõ ràng, soi vào những điều Bác dạy, thấy rõ những cán bộ bị bắt dùng đủ thủ đoạn để “đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Họ đã không còn giữ được chữ LIÊM, không còn trong sạch! Trong quá trình làm việc, họ đã không đặt mục tiêu vì dân mà phụng sự, không hề biết tới lời dạy của Bác rằng: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”.
Những lời dạy nhẹ nhàng, sâu sắc, chí lý của Bác Hồ về chữ LIÊM đã không được nhiều cán bộ để ý, họ đã vi phạm một cách trắng trợn. Họ ăn trên mồ hôi, nước mắt của người dân mà không mảy may nghĩ suy, động lòng. Biết bao cán bộ, kể cả diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đã “nhúng chàm” vướng vòng lao lý, họ có mảy may nhớ lời dạy của Người, thực hành theo Người trong quá trình làm việc, hay đã quen hách dịch, cúi luồn, móc ngoặc, “bắt tay ngầm” để thu lợi bất chính, để “vinh thân phì gia” mà đánh mất lương tâm, phẩm giá, đạo đức. Họ thậm chí đáng nhận những lời nói của Khổng Tử rằng: “Người không LIÊM, không bằng súc vật”!
Không ai có thể đổ lỗi cho việc đồng lương chưa tốt, do thu nhập thấp để nhắm mắt phạm pháp, đánh mất mình, tham lam thu vén lợi ích bất chính cho bản thân, gia đình, nhóm nhỏ. Quay trở lại với vấn nạn cán bộ bị bắt, nhiều người trong số họ bị lôi ra ánh sáng là vì dân bí bách, hết sức chịu đựng mới mạnh dạn tìm bằng chứng đứng ra tố cáo với cơ quan bảo vệ pháp luật. Trở lại bài báo “Thế nào là LIÊM”, Bác Hồ có viết rằng: “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”.
Tất nhiên, khi cán bộ không trong sạch, quan tham đã câu kết với nhau thì những thủ đoạn đục khoét, phạm pháp là hết sức kín kẽ, tinh vi. Đó cũng là nguyên nhân mà Đảng ta ngày càng tỏ rõ quyết tâm, chủ động tấn công vào những “con sâu” tham nhũng, tiêu cực, để diệt trừ những mối họa đối với dân, với đất nước. Một khi cán bộ không thực hành chữ LIÊM trong công việc, những lời nói nhiều lần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Vì vậy, việc tiếp tục phải bắt những cán bộ, tập thể cán bộ phạm pháp là hết sức cần thiết, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh đội ngũ cán bộ hiện nay, để luật pháp được tôn trọng, những lời dạy của Bác về chữ LIÊM nói riêng, bên cạnh các phẩm chất cần, kiệm, chính, chí công vô tư được thực hành thường xuyên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng răn dạy cán bộ “phải là đầy tớ trung thành, là công bộc của nhân dân”. Ấy thế nhưng không ít “đầy tớ”, “công bộc” đã không giúp gì được cho dân, cho nước mà còn gây thiệt hại đủ đường, không chỉ về vật chất mà cả niềm tin, gây tổn hại đến uy tín của Đảng. Thế nên, việc chẳng đặng đừng là bắt, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm pháp luật cũng như cắt bỏ những “ung nhọt” để trị bệnh dứt điểm, giúp cơ thể khỏe mạnh là việc bắt buộc phải làm. Có như thế, lòng dân mới yên, niềm tin của dân với Đảng mới trọn vẹn, vững bền!
TS. Nguyễn Tri Thức
Ý kiến bạn đọc (0)