Tu bổ hệ thống thủy lợi đi đôi với sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
Khơi thông dòng chảy
Tuyến kênh V3 thuộc trạm bơm Hương Sơn, xã Hương Sơn (Lạng Giang) có chiều dài hơn 17 km phục vụ tưới cho hàng nghìn ha lúa của các huyện Lạng Giang, Lục Nam. Tuy vậy, nhiều thời điểm cây trồng ở cuối kênh như xã Thanh Lâm, Bảo Sơn (Lục Nam) không được cấp nước kịp thời do lòng kênh bồi lắng, ách tắc dòng chảy.
Kênh V3, đoạn qua xã Hương Sơn (Lạng Giang) vừa được nạo vét. |
Để khắc phục, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, cuối năm ngoái, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương dành hơn 300 triệu đồng nạo vét toàn tuyến. Nhờ đó, lòng kênh thông thoáng. Hiện, chỉ trong một ngày, nước trên kênh đã đủ cốt đưa về hạ nguồn, giảm một nửa thời gian so với trước.
Tương tự, nhiều tuyến kênh khác cũng được khơi thông vật cản như: Kênh dẫn bể hút trạm bơm tưới Tân Tiến (TP Bắc Giang); kênh Y6, đoạn K0+500-K2+300 (Lạng Giang); kênh trạm bơm Tư Mại (Yên Dũng), kênh N3 (Việt Yên)… Theo tổng hợp, trong năm 2017, 2018 có hơn 70 đoạn kênh được nạo vét. Tổng kinh phí thực hiện hơn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn chống hạn do T.Ư phân bổ.
Không chỉ cải tạo, việc cứng hóa kênh mương cũng được quan tâm. Toàn tỉnh có gần 3 nghìn km kênh cứng, đạt hơn 44% tổng chiều dài kênh tưới. Qua đó, giảm tỷ lệ thất thoát nước, rút ngắn thời gian tưới. Cụ thể, thời gian đổ ải những năm trước kéo dài 1,5 tháng nay chỉ trong khoảng 20 ngày đã hoàn tất.
Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
Ngoài hệ thống kênh mương, phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, trong tỉnh còn có hơn 600 hồ chứa thủy lợi lớn, nhỏ và các đập dâng, trạm bơm. Một số công trình đã được cải tạo, nâng cấp, góp phần tăng năng lực chứa của hồ và nâng công suất tưới như: Trạm bơm Tiến Dũng (Yên Dũng); hồ Khuôn Vố (Lục Ngạn)...
Tuy nhiên, do điều kiện nguồn vốn hạn hẹp nên một số hồ chứa vẫn xuống cấp, có trạm bơm chưa đáp ứng được năng lực tưới. Đơn cử, tại huyện Sơn Động có hồ Khe Niềng, xã An Lạc hiện không thể tích nước vì cống bị hư hỏng. Theo bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động, hồ Khe Niềng được xây từ năm 1987, xuống cấp nhiều năm qua. Vì vậy hơn 30 ha lúa, hoa màu tại xã đều trông vào nước trời.
Toàn tỉnh có gần 3 nghìn km kênh cứng, đạt hơn 44% tổng chiều dài kênh tưới. Hơn 600 hồ, đập và 822 trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Hiện nay, đơn vị đang khảo sát, đề xuất sửa chữa hồ, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất cho người dân. Hay hồ Chùa Ông, xã Đông Phú; hồ Ba Bãi, xã Bảo Sơn (Lục Nam) có thân đập chính cũng rò rỉ gây thất thoát nước.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời gian tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể khiến tình hình hạn hán gia tăng. Trên thực tế, tại Bắc Giang đã nhiều năm xảy ra nắng nóng cực điểm, cây trồng héo khô. Mực nước tại hồ chứa xuống thấp, nhiều hồ dưới mực nước chết; suối cạn kiệt.
Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra và có tầm nhìn cho cả giai đoạn, Sở Nông nghiệp và PTNT hiện đang rà soát, đánh giá hiện trạng toàn bộ hệ thống, đồng thời đưa ra tổng thể các giải pháp”. Trong đó, đơn vị chú trọng tham mưu chỉ đạo kiểm tra, dự báo lượng nước tại các hồ, đập thủy lợi và sông, suối, tính toán khả năng nguồn nước, trữ lượng; quản lý chặt chẽ, hạn chế rò rỉ thất thoát nước.
Đi đôi với giải pháp trên, việc nhân rộng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm rất quan trọng. Tại xã Hồng Giang, Tân Mộc (Lục Ngạn), An Dương (Tân Yên)… người dân đã tự đầu tư lắp đường ống tưới nhỏ giọt, giúp cây trồng tăng năng suất; giảm công lao động và lượng nước tưới. Đây là giải pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn nước ổn định, bền vững. Nước ngầm sẽ không bị khai thác một cách tùy tiện, góp phần bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên giống chịu hạn. Về lâu dài nên quan tâm cứng hóa hệ thống kênh mương, duy tu, sửa chữa hồ đập, tăng khả năng trữ nước.
Ý kiến bạn đọc (0)