Trường Sơn ơi, hát mãi bài ca
Tuyến đường huyền thoại
Nghe anh lái xe thông báo đã rẽ sang đường mòn Hồ Chí Minh, tôi vươn người để nhìn rõ con đường huyền thoại đã trở thành biểu tượng hào hùng của Việt Nam máu và hoa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ giây phút ấy, tâm trí tôi giống như một cánh bướm nhỏ, cứ tung tăng lượn vòng trong niềm xúc động thôi miên.
![]() |
Nơi yên nghỉ của các liệt sĩ quê Hà Bắc tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. |
Thế là tôi đã đến nơi đây - con đường mong ước có ngày được đặt chân đến. Con đường trong bài hát “Bài ca Trường Sơn” của Gia Dũng, mà khi còn bé, theo các anh chị thanh niên trong làng tập văn nghệ, tôi đã thuộc làu và nhớ mãi hình ảnh “có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác…”.
Con đường của những “Tiểu đội xe không kính”, những o thanh niên xung phong dũng cảm, tinh nghịch: “Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch nhọn?” trong thơ của Phạm Tiến Duật. Đây cũng là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, xuyên qua ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia mà chúng ta vừa tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày mở đường 19-5 (1959 - 2019).
Trời nắng gắt nhưng đi trên đường mòn Hồ Chí Minh có cảm giác rất dịu mát, bình yên. Tuyến đường nhựa mới được nâng cấp, ít xe qua lại, hai bên là những cánh rừng xanh có rất nhiều loài hoa cánh tím, trắng, vàng nở li ti. Dọc đường, những cánh bướm bay rập rờn.
Tôi chợt nghĩ nếu là khách nước ngoài, nếu không biết những ký ức về chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam và lần đầu đặt chân đến, rất nhiều người không thể tưởng tượng mảnh đất này đã phải hứng chịu hàng chục vạn tấn bom từ trường, bom nổ chậm, bom bi cùng chất độc na pan của đế quốc Mỹ dội xuống, đã diễn ra trên 2.500 trận đánh ác liệt.
Con đường đã vận chuyển một triệu tấn vũ khí và đã đưa trên hai triệu lượt bộ đội, cán bộ ta vào chiến trường. Cũng nơi đây 20 nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân mở đường của ta đã anh dũng hy sinh…
Gặp lại các anh
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nằm trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường mòn Hồ Chí Minh (đoạn quốc lộ 15), thuộc địa phận xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, có tổng diện tích 140 nghìn m2, được khởi công xây dựng ngày 24-10-1975 và hoàn thành ngày 10-4-1977, quy tụ phần mộ của hơn 10 nghìn liệt sĩ đã hy sinh trên dải đất Trường Sơn.
Từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) mặn mòi gió biển, bắt tay cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà chân tình của những người bạn ở HĐND tỉnh, chúng tôi sốt sắng và nóng lòng hỏi đường rẽ sang quốc lộ 4B để đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị). Trước khi đi, không quên thắp nén nhang nơi Tượng đài Mẹ Suốt - người mẹ bình dị mà anh hùng bao năm vượt mưa bom bão đạn, chở đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ. |
Đường vào nghĩa trang, những cây phượng cuối mùa vẫn bền bỉ bung những chùm hoa đỏ rực trên nền trời xanh thẳm. Đã quá trưa song chúng tôi vẫn gặp nhiều người từ các địa phương, nhất là từ miền Bắc cùng vào viếng. Họ là các cựu chiến binh về thăm đồng đội, những người chị, người em đi tìm mộ người thân.
Biết thời gian chúng tôi ở lại không lâu, anh Nhân - cán bộ Ban Quản lý Nghĩa trang nhanh chóng đưa chúng tôi đến khu quy tập mộ của hơn 800 liệt sĩ quê Hà Bắc (bao gồm cả Bắc Giang và Bắc Ninh), trong đó có 414 liệt sĩ là người con của quê hương Bắc Giang.
Chia nhau đi giữa những hàng bia thẳng tắp, xếp ngay ngắn như những đoàn quân, thắp hương cho các anh, mắt chúng tôi nhòa lệ. Một cảm giác thân thương như đứng trước linh mộ của những người ruột thịt. Lòng thấy quặn đau khi đọc những tên liệt sĩ Bắc Giang hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ: Liệt sĩ Phạm Tùng Dương, sinh năm 1946 ở Hương Vỹ, Yên Thế, mất ngày 7-12-1967; liệt sĩ Nguyễn Văn Cư, sinh năm 1952 ở Ngọc Sơn, Hiệp Hòa, mất ngày 2-5-1971; liệt sĩ Phạm Văn Đoàn, sinh năm 1952 ở Quỳnh Sơn, Yên Dũng, mất ngày 6-6-1972…
Chỉ tiếc thời gian không có nhiều, chúng tôi không thể đi hết từng bia mộ để đọc từng tên các anh, thay mặt những người thân, thầm thì với các anh về tình yêu, nỗi nhớ thương vời vợi của những người mẹ, người vợ, người em sau ngày tiễn các anh đi. Và mãi mãi đã không được đón các anh trở về… !
Nhớ lắm, Trường Sơn
Từ đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi đi tiếp đến Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng nhưng tâm trí tôi dường như vẫn ở lại Quảng Trị, ở lại dòng sông Thạch Hãn và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Ngồi trên xe, nước mắt vẫn rưng rưng và trong đầu văng vẳng như có tiếng chim lảnh lót cùng những câu hát: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”.
Vâng! Mãi còn đó kỷ niệm về những người lính Trường Sơn lạc quan, tràn đầy sức trẻ, tình yêu trên đường ra trận! Mãi mãi các anh thuộc về tuổi hai mươi, thuộc về bản tình ca bất diệt của dân tộc mình! Lại nghẹn ngào nhớ 4 câu thơ đầy xúc động của anh Lê Bá Dương - người lính giữ thành cổ Quảng Trị năm xưa trong lần trở lại viếng thăm đồng đội: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.
Trên đường trở ra Bắc, chúng tôi còn ghé thăm Khu di tích lịch sử Truông Bồn tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Lại một lần nữa khóc khi nghe kể về 11 cô gái và 2 chàng trai “Tiểu đội thép” thanh niên xung phong, tuổi đời mười tám, đôi mươi đã dũng cảm hy sinh trong đêm 31-10-1968 khi đang làm nhiệm vụ. Các anh, các chị đã hiến trọn tuổi xuân cho đất nước, khi còn dang dở rất nhiều khát vọng, ước mong về hạnh phúc trong ngày hòa bình.
Một tuần đi dọc miền Trung trong hành trình tìm về lịch sử, mới thấy đích thực giá trị của những ngày đang sống. Thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản. Muốn sống, làm những việc gì đó tốt đẹp, dù nhỏ thôi cho cuộc sống này. Giờ đây, tôi mới thấu hiểu hơn những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết cách đây gần nửa thế kỷ: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”.
Nhớ lắm, Trường Sơn ơi! Nhất định ngày mai chúng tôi và các thế hệ con, cháu chúng tôi sẽ còn trở lại!
Ý kiến bạn đọc (0)