Trường Mầm non Phì Điền: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
Hoạt động góc sáng tạo trong lớp |
Hình thức giảng dạy này đã thu hút học sinh tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Từ đó, hình thành và phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, rèn luyện giao tiếp và sự tự tin cho trẻ. Ngay từ khi có kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về việc xây dựng và triển khai mô hình này, Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng nâng chất lượng cơ sở vật chất, đổi mới cách chăm sóc, giáo dục trẻ. Mặc dù nguồn kinh phí hạn chế nhưng được sự ủng hộ của chính quyền cơ sở và phụ huynh học sinh nên cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi học tập tại trường đã được bổ sung, nâng cấp.
Cô giáo Mạc Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phì Điền cho biết: Hiện nay nhà trường có đủ các phòng học cho 12 nhóm, lớp với 417 học sinh, các phòng học đều được trang bị đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trong các lớp học đều được trang trí theo chủ đề chủ điểm, bảo đảm thẩm mỹ, thân thiện. Bên cạnh đó, các lớp đều xây dựng góc chơi cho trẻ hoạt động được bố trí thuận tiện, hợp lý như: Góc xây dựng, góc khám phá, góc phân vai, góc nghệ thuật, góc thư viện... Hay trong tiết học ngoại khóa “Chợ quê”, học sinh được chia thành các nhóm tìm hiểu về trang phục, cách mua bán hoa quả… Qua đó, tạo được sự say mê, hào hứng của trẻ khi trải nghiệm những hoạt động vừa học vừa chơi rất thực tế và thú vị do giáo viên tổ chức.
Để bảo đảm không gian ngoài trời thuận tiện cho trẻ học tập và vui chơi, năm học 2017-2018, nhà trường tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo các khu vui chơi, hoạt động ngoài trời cho trẻ. Sân chơi chung toàn trường được trải cỏ nhân tạo, được che chắn mái lợp thông minh, giúp trẻ được hoạt động, vui chơi trong mọi thời tiết. Với mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức và hướng dẫn học sinh thực hiện hoạt động học tập, vui chơi, khám phá. Vì vậy, nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên đều nắm rõ mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học của mô hình giáo dục này, từ đó, chủ động soạn giáo án và tổ chức hoạt động học tập phù hợp với trẻ; luôn chú ý quan sát trẻ, chủ động gần gũi, lắng nghe chia sẻ, cảm nhận của trẻ; tích cực làm đồ dùng trực quan để phục vụ hoạt động học tập của trẻ…
Thực tế cho thấy, mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ giúp trẻ được khám phá, trải nghiệm nhiều hoạt động học tập đa dạng phong phú mà còn tạo cơ hội để các em được bộc lộ cảm xúc, nhận định của mình. Đặc biệt, tăng khả năng tư duy, sáng tạo, giao tiếp và vốn ngôn ngữ của các em. Ngoài ra, các em còn được rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và ý thức làm việc nhóm.
Vũ Đoàn - Hoàng Phượng
Ý kiến bạn đọc (0)