Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang: Cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động
Đổi mới phiên giao dịch việc làm
Theo kế hoạch, năm 2020, Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức 62 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 48 phiên định kỳ, còn lại là chuyên đề và lưu động. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đơn vị mới tổ chức được 18 phiên với 17 phiên định kỳ (vào thứ 5 hằng tuần tại trung tâm) và một phiên dành riêng cho lao động Hàn Quốc hết hạn hợp đồng về nước theo Chương trình EPS; đã giới thiệu công việc phù hợp cho gần 700 lao động tại các DN trong tỉnh.
![]() |
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động tại xã Trung Sơn (Việt Yên). |
Ông Trần Văn Quảng, Trưởng phòng Tư vấn - Giới thiệu việc làm cho biết, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm là hoạt động trọng tâm, quan trọng nhất. Vì vậy đơn vị thường xuyên tham mưu, đổi mới tổ chức các phiên theo hướng đa dạng hình thức, mở rộng địa bàn, đối tượng tham gia. Cụ thể phương châm này, hai năm trở lại đây, bên cạnh các phiên định kỳ thứ 5 hằng tuần, trung tâm dành kinh phí, bố trí nhân lực tổ chức nhiều ngày hội tuyển dụng lưu động tại các huyện, TP, tập trung vào vùng nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, các phiên chuyên đề dành riêng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đã về nước, người khuyết tật cũng thu hút đông NLĐ tham gia. Đặc biệt, đơn vị lồng ghép việc giới thiệu việc làm với tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về cung - cầu lao động để các bạn trẻ, học sinh cuối bậc THPT lựa chọn ngành nghề phù hợp, dễ dàng tìm việc sau khi tốt nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong tỉnh.
Vượt qua vòng phỏng vấn và được một DN điện tử tuyển dụng tại phiên chuyên đề dành riêng cho lao động Hàn Quốc hết hạn hợp đồng về nước theo Chương trình EPS, anh Nguyễn Văn Nam (SN 1988), xã Chu Điện (Lục Nam) chia sẻ: “Qua website của trung tâm, tôi biết về chương trình này nên đến dự tuyển bởi tôi nghĩ được gặp gỡ, bày tỏ nguyện vọng trực tiếp với DN sẽ khiến tôi dễ dàng chọn được công việc phù hợp. Về phía công ty, họ cũng hiểu hơn về năng lực của ứng viên trước khi nhận vào làm việc”.
Để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối tháng 1/2020, trung tâm đã triển khai phương án tổ chức phiên giao dịch bằng hình thức trực tuyến trên fanpage (sangiaodichvieclam). Đồng thời thiết lập đường dây tư vấn, giới thiệu việc làm online qua website, số điện thoại của cán bộ, cập nhật kịp thời, liên tục các vị trí việc làm trống để NLĐ lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của DN.
Nhân rộng mô hình liên kết giữa trường nghề, DN
Hiện nay, 85 DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp tại trung tâm với tổng vị trí tuyển dụng gần 70 nghìn người, chủ yếu thuộc lĩnh vực may mặc, điện tử. Một số DN tuyển nhiều lao động như: Công ty TNHH Fuhong Presion Component (Bắc Giang) 15 nghìn người; Công ty TNHH NewWing Interconnect Technology 10,8 nghìn người; Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam 6,8 nghìn người; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam 5,2 nghìn người; Công ty TNHH S-Connect BG Vina 2,4 nghìn người... Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại ổn định, theo dự báo của đơn vị, nhu cầu lao động sẽ tăng từ 22-25% so với năm 2019. Để kết nối cung - cầu lao động, một giải pháp quan trọng mà đơn vị tập trung triển khai là căn cứ nhu cầu tuyển dụng của từng DN, xây dựng các mô hình liên kết với các cơ sở đào tạo nghề.
Đầu năm 2019, Trung tâm DVVL tỉnh ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận cung ứng lao động với các đơn vị: Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn, Công ty TNHH Siflex Việt Nam, Công ty cổ phần PT Daehan Global Yên Dũng. Kết quả đến nay, gần 1 nghìn sinh viên có việc làm tại hai DN này sau khi tốt nghiệp. “Việc hợp tác này giúp DN tuyển được nhân lực có trình độ đúng với vị trí việc làm, giảm chi phí và thời gian đào tạo lại. Còn với các bạn trẻ, sau thời gian trải nghiệm thực tế tại DN, họ tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng nghề và có cơ hội tìm được việc làm sau tốt nghiệp”, ông Huế nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 31 nghìn lao động trong tỉnh, tăng 400 người so với năm 2019. Góp phần hoàn thành mục tiêu này, Trung tâm DVVL tỉnh tập trung đổi mới hình thức để nâng cao hiệu quả phiên giao dịch việc làm; thu thập thông tin, dự báo sát thị trường lao động; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kết nối, giúp NLĐ, DN tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)