Trung Quốc ghép thành công gan lợn cho người chết não
Các bác sĩ tại Đại học Y Không quân thực hiện ca ghép gan lợn cho người chết não, ngày 10/3. |
Ca phẫu thuật diễn ra ngày 10/3, tại Bệnh viện Đại học Y Không quân, được truyền thông đưa tin ngày 15/3. Gan lợn được chỉnh sửa gene, ghép vào người chết não để mô phỏng phương pháp điều trị cho bệnh nhân suy gan. Ca ghép này nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu về tiềm năng chữa bệnh của phương pháp cấy ghép khác loài, cung cấp cơ sở lý thuyết và bổ sung dữ liệu cho việc thực hành lâm sàng trong tương lai.
Đây là trường hợp ghép gan lợn cho người đầu tiên được báo cáo trên thế giới. Ê kíp phẫu thuật do Dou Kefeng, học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Tao Kaishan, giám đốc Khoa Phẫu thuật Gan mật tại Bệnh viện Xijing (Đại học Y Không quân), dẫn đầu.
Lợn được chỉnh sửa gene do Công ty Công nghệ sinh học Clonorgan cung cấp. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ để loại bỏ ba loại kháng nguyên gây thải ghép, thay thế chúng bằng ba loại protein của con người.
Người được ghép gan lợn là một bệnh nhân bị chấn thương nặng ở đầu, được xác nhận chết não sau ba lần giám định. Gia đình đồng ý tham gia nghiên cứu không nhận thù lao, góp phần vào sự tiến bộ của khoa học y tế.
Trong quá trình phẫu thuật, gan ghép bắt đầu tiết mật ngay sau khi cơ thể phục hồi lưu lượng máu. Bệnh nhân không gặp tình trạng thải ghép cấp tính, gan hoạt động liên tục trong 96 giờ.
Nghiên cứu cho thấy phương pháp cấy ghép khác loài (xenotransplant), sử dụng gan lợn là khả thi. Các chuyên gia đã đạt được những đột phá trong việc đổi mới lý thuyết khoa học, vượt qua thách thức công nghệ cốt lõi và mở ra những ứng dụng vào y tế. Nó đóng vai trò quan trọng trong điều trị và sửa chữa, tái thiết chức năng và thay thế nguồn tạng vốn thiếu hụt.
Trung Quốc có gần 400 triệu người mắc bệnh về gan, trong đó hơn 7 triệu người bị xơ gan, khoảng 300.000 đến 500.000 người suy gan mỗi năm. Đối với người xơ gan, ghép gan là phương pháp chữa trị hiệu quả duy nhất. Tuy nhiên, số tạng hiến tặng ít hơn nhiều so với nhu cầu người bệnh. Vì vậy, nghiên cứu cấy ghép khác loài đặc biệt quan trọng, được kỳ vọng sẽ hữu ích đối với những người bệnh gan giai đoạn cuối.
Nghiên cứu về cấy ghép nội tạng trên thế giới đã đạt được tiến bộ lớn trong những năm gần đây. Từ năm 2021 đến 2023, các nhà khoa học Mỹ đã hoàn thành 4 thí nghiệm cấy ghép nội tạng lợn được chỉnh sửa gene cho người chết não, hai ca cấy ghép tim lợn cho người sống.
Theo ông Dou, chức năng giải phẫu sinh lý của gan phức tạp hơn so với thận và tim, nên gan lợn chỉnh sửa gene không thể thay thế hoàn toàn gan người. Tuy nhiên, thí nghiệm trên cung cấp cơ sở lý thuyết và dữ liệu cho các ứng dụng lâm sàng trong tương lai.
Nhóm của Dou và Tao đã thử nghiệm cấy ghép khác loài trong 11 năm. Trước đây, họ từng hoàn thành nhiều ca ghép tạng từ lợn sang khỉ.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)