Trẻ 2 ngày tuổi ngộ độc sái thuốc phiện
Khi sinh hai con đầu lòng, gia đình làm theo mẹo dân gian dùng sái thuốc phiện với liều lượng một đầu tăm pha vào sữa cho trẻ uống để "chắc dạ". Khi ấy các con khỏe mạnh, ăn uống tốt, không gặp vấn đề về đường ruột. Lần này bé út chào đời, gia đình tiếp tục áp dụng cách này. Tuy nhiên, sau khi uống sái thuốc phiện, bé ngủ không yên, thỉnh thoảng khóc ré lên, nấc cụt nhiều, thở yếu hơn. Bé được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Nam Định hỗ trợ hô hấp, tiêm thuốc giải độc và chuyển đến Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 19/11.
Em bé đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Ảnh: Khánh Chi |
Kết quả xét nghiệm phát hiện trẻ suy hô hấp là do độc chất opioids. Do tác dụng của sái thuốc phiện, trẻ tiếp tục tím tái, có lúc ngừng thở. Các bác sĩ Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Sơ sinh cấp cứu, cho thở máy, dùng thêm thuốc kháng (naloxone) để giải ngộ độc, giảm các tác động của độc chất vào trung tâm thần kinh.
Hiện tình trạng bé tạm ổn định, thở đều hơn, nhịp tim bình thường, không còn cơn rung giật, cần theo dõi thêm.
Thuốc phiện là một hỗn hợp thô lấy từ nhựa tiết của quả thuốc phiện. Trong nhựa quả khô cây thuốc phiện có hơn 25 loại alcaloid, trong đó morphine chiếm 10%, codeine 0,5%, narceine 0,3%, theloine 0,2%, papaverine 0,8%, narcotine 6%. Sái thuốc phiện là phần thuốc còn đọng lại trong điếu sau khi hút, thường được cất dành khi thiếu sẽ sử dụng.
"Opioid" là thuật ngữ cho một số chất tự nhiên (nguồn gốc ban đầu từ cây thuốc phiện) và các chất tương tự (bán tổng hợp và tổng hợp) gắn với các thụ thể (phân tử protein) opioid đặc hiệu.
Triệu chứng lâm sàng rõ ràng nhất khi bị ngộ độc opioids là giảm tần số thở, thở chậm, có thể tiến triển đến ngừng thở, đồng tử co nhỏ. Một số biểu hiện khác là mê sảng, tụt huyết áp, nhịp tim chậm, hạ nhiệt độ cơ thể... Người bệnh tử vong chủ yếu do tình trạng thiếu oxy.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 9-10 trẻ sơ sinh ngộ độc, chủ yếu là ngộ độc sái thuốc phiện, thuốc nam, do phụ huynh dùng mẹo dân gian để chữa bệnh cho trẻ.
Bác sĩ Chu Lan Hương, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh Cấp cứu, Trung tâm Sơ sinh, cho biết vô cùng nguy hiểm khi sử dụng các mẹo dân gian hoặc thuốc nam không rõ thành phần cho trẻ. Đây là những phương thức chưa có căn cứ khoa học, có thể để lại những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe của trẻ, thậm chí tử vong.
"Phụ huynh không nên mạo hiểm sử dụng các loại thuốc 'truyền miệng' cho trẻ sơ sinh vì trong thành phần của những loại thuốc này có thể chứa các chất khiến trẻ bị ngộ độc, ức chế hô hấp, ức chế thần kinh, rối loạn điện giải, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy kịch tính mạng", bác sĩ Hương khuyến cáo.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)