Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn xả thải "bức tử" sông Thương
Theo phản ánh của người dân địa phương, trang trại lợn kể trên là của hộ ông Trịnh Văn Thế ở huyện Việt Yên. Cuối năm 2022, ông Thế xây dựng trang trại lợn trên đất của người thân ở thôn Ngọc Sơn và đầu năm 2023 bắt đầu đưa lợn vào nuôi với quy mô hàng nghìn con lợn thịt.
Một người dân sở tại cho biết: “Ban đầu chúng tôi cũng ủng hộ gia đình họ mở trang trại phát triển kinh tế. Nhưng những ngày gần đây, nhìn cả đoạn sông Thương bị ”bức tử”, cá tôm bị chết do phân và nước thải từ trại lợn này xả ra thì ai cũng bức xúc. Nếu tình trạng ô nhiễm kéo dài, không biết hậu quả sẽ thế nào?!”.
Nước sông Thương chảy thường xuyên song sau nhiều ngày trang trại lợn xả thải vẫn giữ màu đen và mùi hối thối. |
Trước thông tin công dân phản ánh, sáng 31/3, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Quang Thịnh để làm việc về nội dung này, ông Lực nói đang đi họp. Tuy nhiên, qua điện thoại, vị Chủ tịch xã này cũng xác nhận “… Phản ánh của người dân là đúng. Hôm qua, xã đã phối hợp với huyện, tỉnh kiểm tra, lập biên bản vi phạm, lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm. Quy mô họ đăng ký nuôi với xã là 250 con lợn, nhưng thực tế nuôi vượt 800 con...”.
Ông Lực cũng cho biết thêm, khoảng giữa tháng 3, qua kiểm tra, UBND xã đã phát hiện hộ ông Thế không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường, nuôi quá số lượng lợn đăng ký nên đã lập biên bản yêu cầu gia đình thực hiện đúng cam kết, không được xả thải ra sông Thương. Cách đây vài ngày, khi nhận được phản ánh của công dân về việc trang trại lợn xả thải gây ô nhiễm nước sông Thương, xã đã báo cơ quan chuyên môn cấp trên kiểm tra để có hướng xử lý đối với hộ vi phạm.
Nước và phân thải ra từ trang trại lợn của hộ ông Thế làm cá tôm bị chết. |
Mục sở thị khu nuôi lợn nằm sát sông Thương của hộ ông Thế, chúng tôi nhận thấy trang trại có quy mô rất lớn, rộng hàng nghìn m2 với 3 khu chuồng nuôi khá rộng. Theo một người dân tham gia xây dựng khu trại nuôi lợn cho biết, mỗi khu nhà có ba khoang, mỗi khoang gồm 2 dãy, mỗi dãy có 5- 6 ô, mỗi ô có thể nhốt khoảng 50-60 con lợn. Tiếp cận phía ngoài khu chuồng nuôi nhìn qua lớp bóng kính thấy các khoang nuôi đều thả kín lợn. Mỗi ô nuôi chừng 50-60 con lợn 30-40kg/con.
Làm việc với phóng viên, ông Thế thừa nhận khu trại đang nuôi hàng nghìn con lợn thịt, có trọng lượng từ 30-60kg/con. Đồng thời cho biết thêm, gia đình có một trại lợn nái ở huyện Việt Yên, thời gian qua, do lượng lợn giống tiêu thụ chậm nên xây thêm trang trại tại xã Quang Thịnh trên khu đất hơn 8.000m2; đầu năm 2023 vừa qua mới đưa lợn giống chưa tiêu thụ được về đây nuôi.
Lý giải việc nước sông Thương giáp khu vực trại lợn bị chuyển màu đen, ông Thế giải thích: Do hệ thống xử lý phân, nước thải của khu trại chưa đáp ứng nhu cầu nên lượng nước, phân thải tại các bể chứa bị tràn ra ngoài. Sau khi bơm tưới vườn cây liền kề chưa vơi nên công nhân đã cho máy bơm hút xả ra sông Thương. Biết sự việc này, ông đã yêu cầu công nhân không được xả thải ra sông, đồng thời đã đầu tư xây dựng thêm một số bể chứa, biogas, bể lắng để xử lý nguồn phân và nước thải chăn nuôi.
Đoạn sông Thương bị xả thải ô nhiễm dài khoảng 2 km. |
Tuy nhiên, đó chỉ là biện minh từ phía gia đình ông Thế. Nước sông Thương tuy là mùa cạn nhưng dòng chảy vẫn luân chuyển thường xuyên. Nếu việc xả thải từ trang trại ra sông chỉ là sự cố tràn bể, do công nhân hút bớt cho vơi bể thì không thể gây ô nhiễm dòng nước lâu và nặng đến mức như vậy.
Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trang trại chăn nuôi gia súc quy mô trên 500 con là đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Việc hộ ông Thế chưa thực hiện các thủ tục về môi trường theo quy định, đã đưa hàng nghìn đầu lợn vào chăn nuôi và xả thải ra sông Thương là trái quy định pháp luật. Hiện khoảng 2km sông Thương gần khu vực trại lợn vẫn bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng không nhỏ đời sống người dân hai bên bờ gần khu vực này.
Điều đáng lo ngại nữa là hằng ngày nước sông Thương vẫn chảy về xuôi mang theo nguồn nước ô nhiễm. Nguồn nước này được sử dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Rõ ràng hậu quả của việc xả thải gây ô nhiễm nước sông Thương trước mắt và lâu dài chưa thể tính toán hết.
Một góc trang trại lợn của hộ ông Thế. |
Việc để trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn hàng nghìn con chưa thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường hoạt động nhiều tháng qua và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước sông Thương trước hết thuộc trách nhiệm của cán bộ chuyên môn và UBND xã Quang Thịnh.
Đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng xem xét, làm rõ vi phạm kể trên của hộ ông Thế; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định.
Video: Trại chăn nuôi lợn ở xã Quang Thịnh xả thải gây ô nhiễm nước sông Thương.
Thuỳ Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)