Trái cây Lục Ngạn được giá, bán tại vườn
Nông dân thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang thu hoạch cam ngọt. |
Được mùa, được giá
Những ngày cuối năm, vùng cam ở xã Hồng Giang tấp nập hơn bởi người mua, bán. Vừa nhanh tay thu hái để kịp giao cam do khách hàng ở tỉnh Quảng Ninh đặt mua, chị Tạ Thị Lan, thôn Kép 2A phấn khởi: “Từ cuối tháng 9 âm lịch, thương nhân ở các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên đã về ký hợp đồng lấy hàng tại vườn. Mức giá dao động từ 25- 27 nghìn đồng/kg, cao hơn năm trước”. Hơn chục ngày qua, gia đình đã thu hơn 1 tấn quả giao cho khách hàng. Ước tính vụ này, gần 1 ha của gia đình cho 20 tấn quả, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Năm nay sản lượng cây ăn quả có múi của xã Hồng Giang khoảng 3,5 nghìn tấn, tăng 500 tấn so với vụ trước với doanh thu đạt hơn 30 tỷ đồng. Thời điểm này, không riêng cam ngọt tiêu thụ thuận lợi mà bưởi Diễn, táo Đài Loan cũng hút khách hàng nhiều nơi đến mua gom, vận chuyển tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Người làm vườn vì thế không phải lo mang đi bán lẻ.
Vụ này, toàn huyện có gần 4 nghìn ha cây có múi và táo cho thu hoạch, sản lượng gần 30 nghìn tấn, tập trung nhiều ở các xã: Hồng Giang, Thanh Hải, Tân Quang, Tân Lập, Phì Điền… Hiện giá cam 25- 30 nghìn đồng/kg, bưởi Diễn 25-28 nghìn đồng/quả, táo Đài Loan 20- 27 nghìn đồng/kg. Ước thu nhập từ cây ăn quả có múi hơn 880 tỷ đồng. |
Vụ này, gia đình ông Lành Hồng Thương, thôn Hai Mới (xã Quý Sơn) có hơn 300 gốc bưởi Diễn cho thu hoạch. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, cùng với kinh nghiệm chăm sóc lâu năm nên bưởi sai quả, vỏ mỏng, ngọt, mọng nước. Có vườn bưởi đẹp, từ tháng 12-2016, thương nhân ở TP Hà Nội đã đến đặt tiền mua toàn bộ với giá bình quân 28 nghìn đồng/quả, cao hơn năm trước.
Còn ông Lê Tiến Lợi, thôn Phì (xã Phì Điền) có khoảng 10 tấn táo Đài Loan. Từ giữa tháng 12- 2016, ông đã tỉa những quả to cho khách đến tận vườn thu mua với giá cao. Theo chủ vườn, táo bán dần sẽ không lo rủi ro lớn bởi giá cả thị trường dịp Tết lên xuống thất thường. Nhiều người trồng táo ở thôn Chay, Mai Tô (cùng xã) cũng đang thu hoạch táo bán cho thương nhân với niềm vui được mùa, được giá.
Mạnh dạn liên kết sản xuất, tiêu thụ
Năm nay, nhiều chủ vườn trên địa bàn huyện đã mạnh dạn liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), câu lạc bộ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả để tiêu thụ dễ dàng hơn. Nhiều HTX, câu lạc bộ đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ hộ dân, trang trại tiêu thụ nông sản như: Câu lạc bộ trang trại cây ăn quả có múi huyện Lục Ngạn, HTX Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả huyện Lục Ngạn.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả huyện Lục Ngạn cho biết, đơn vị có 21 thành viên, dịp Tết Nguyên đán tới, HTX cung ứng ra thị trường hàng nghìn tấn cam, bưởi. Hiện HTX đã ký hợp đồng với thương nhân các tỉnh: Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP Hà Nội thu mua sản phẩm.
Để tạo thuận lợi cho các nhà vườn, từ đầu vụ thu hoạch, UBND huyện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, điểm thu mua. Đồng thời, chỉ đạo các xã thành lập đội tự quản bảo đảm an ninh trật tự, tạo thuận lợi về thủ tục cho thương nhân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với chủ trang trại, tránh tình trạng ép giá, ép cân. Hiện trên địa bàn có hàng trăm điểm cân với hơn 1 nghìn thương nhân tham gia tiêu thụ.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, vừa qua UBND tỉnh đã tổ chức thành công Ngày hội trái cây huyện Lục Ngạn lần thứ nhất nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây. Sau ngày hội, nhiều thương nhân ở Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh đã đến các trang trại ký hợp đồng mua tại vườn. Toàn huyện có 10 nghìn tấn cam ngọt, 8 nghìn tấn bưởi Diễn, hơn 300 tấn táo được ký hợp đồng tiêu thụ, gần 400 hộ (khoảng 40%) ký hợp đồng tiêu thụ với thương nhân…
Đáng chú ý, để có sản lượng trái cây tăng, từ đầu năm 2016, huyện chỉ đạo bà con nông dân sản xuất theo đúng quy trình, chú trọng bảo đảm an toàn. Đặc biệt, địa phương đầu tư hơn 70 triệu đồng sản xuất 5 ha cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thanh Hải. Đây là lần đầu tiên cây ăn quả có múi được áp dụng theo quy trình mới. Hiện vùng cam này cho thu hoạch, sản phẩm có màu sắc đẹp hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá bán cao hơn 10- 20 nghìn đồng so với cam thường. Từ kết quả này, những năm tới, huyện chỉ đạo mở rộng diện tích tại các xã Hồng Giang, Tân Lập, Tân Mộc, Tân Quang…
Từ nay đến Tết Nguyên đán, dự báo thị trường trái cây sẽ biến động nhưng nhờ có sự kết nối tiêu thụ giữa nhà vườn với thương nhân, nhiều trang trại trái cây, chủ vườn ở Lục Ngạn yên tâm vì đã có đầu ra ổn định, giá cao hơn năm trước. Nhiều thương nhân, nhà vườn đề nghị chính quyền địa phương tạo thuận lợi hơn cho các thương nhân về thu mua, kiểm soát chặt việc tranh mua, tranh bán, ép giá ở các điểm thu mua không qua hợp đồng và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để trái cây dịp này tiêu thụ thuận lợi hơn, người làm vườn có mùa quả vui trọn vẹn.
Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)