TP Bắc Giang: Nỗ lực đưa Đề án 06 đi vào cuộc sống
Mỗi đơn vị một mô hình
Ngày 12/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND về triển khai thực hiện các mô hình điểm trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyến đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Theo kế hoạch, 1 mô hình điểm cấp tỉnh và 8 mô hình cấp sở, ngành, UBND huyện được triển khai. TP Bắc Giang được phân công thực hiện mô hình điểm cấp huyện “Tuyên truyền Đề án 06”.
Nội dung tuyên truyền về Đề án 06 được phát thường xuyên tại bộ phận một cửa TP. |
Tại bộ phận một cửa TP Bắc Giang, UBND TP bố trí điểm tuyên truyền trực quan với 2 màn hình lớn trình chiếu video hướng dẫn các thao tác sử dụng 25 dịch vụ công thiết yếu. Tại đây bố trí máy tính, máy scan, mạng wifi và phân công cán bộ trực hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) qua Cổng Dịch vụ công. Các pano, áp phích, tờ rơi về nội dung liên quan đến Đề án 06 cũng được treo, đặt ở những nơi dễ thấy.
Đến làm thủ tục tách thửa đất, chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Mỹ Độ cho biết: “Trong lúc chờ đến lượt, tôi xem màn hình giới thiệu về định danh điện tử (ĐDĐT) và biết được cái này có nhiều lợi ích. Tôi được cán bộ ở đây hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công để tiện sử dụng sau này”.
Theo ông Nguyễn Tiến Tú, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND TP, cùng với triển khai mô hình điểm tuyên truyền tại bộ phận một cửa TP, Tổ đề án 06 TP cũng yêu cầu thực hiện tại bộ phận một cửa các phường, xã. Ngoài ra mỗi cơ quan, phòng, UBND phường, xã triển khai một mô hình điểm phù hợp chức năng, nhiệm vụ. Đơn cử như Phòng Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh; Phòng Kinh tế hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Các phường: Dĩnh Kế, Xương Giang, Ngô Quyền, Mỹ Độ triển khai mô hình tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNeID và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đoàn phường Dĩnh Kế đã thành lập một đội thanh niên tình nguyện với 15 thành viên phối hợp với Công an phường để tổ chức các hoạt động liên quan đến Đề án 06.
Địa bàn phường rộng với 11 tổ dân phố nên đội tình nguyện được chia thành các nhóm nhỏ phối hợp tuyên truyền tại các nhà văn hóa, hội nghị của phường, tổ dân phố. Những trường hợp cao tuổi, ốm đau, đi lại khó khăn thì các thành viên đến tận nhà hỗ trợ. Hiện tại, phường Dĩnh Kế đã hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp CCCD do Bộ Công an giao, không có công dân tại địa phương đủ điều kiện cấp CCCD mà chưa được thu nhận hồ sơ, tỷ lệ vận động đăng ký định danh điện tử đạt 73,5%.
Tuyên truyền sâu rộng
Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng, nhằm khai thác tối đa các tiện ích, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết TTHC. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án là thực hiện các dịch vụ công thiết yếu trên môi trường mạng. Hiện 25 dịch vụ công thiết yếu đã được giải quyết điện tử.
Qua đó phục vụ xác thực thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Công dân có thể sử dụng số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong CSDLQG về dân cư thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú... để thực hiện các giao dịch hành chính.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành kết quả đến nay TP đã kích hoạt tài khoản ĐDĐT cho hơn 101 nghìn trường hợp, đạt tỷ lệ 80,3% so với chỉ tiêu được giao. |
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú khẳng định, đây là những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và thường xuyên phát sinh hồ sơ. Bởi vậy công tác tuyên truyền được phường thực hiện thường xuyên, liên tục để bà con hiểu quy trình và sẵn sàng tham gia, từ đó góp phần chuyển đổi số thành công.
Cùng với xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền, Tổ công tác Đề án 06 TP giao Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Công an TP phối hợp xây dựng các tin, bài, phóng sự trên trang truyền hình TP, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang về tiện ích khi tham gia làm CCCD, ĐDĐT, thực hiện các TTHC trên Cổng Dịch vụ công, việc kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu...
Cùng đó tuyên truyền qua loa phát thanh của thôn, tổ dân phố, cổng thông tin điện tử và các mạng xã hội Facebook, ứng dụng Zalo, trên màn hình điện tử tại khu vực quảng trường 3/2. TP thành lập 151 tổ hướng dẫn, kích hoạt ĐDĐT trên địa bàn phường, xã. Nhờ vậy mà nhiều người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng dịch vụ công.
Tính đến nay, toàn TP đã thu nhận hơn 106 nghìn tài khoản ĐDĐT; tiếp nhận hơn 30 nghìn hồ sơ thực hiện 15/25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó tỷ lệ nộp trực tuyến đạt hơn 99%. Các thủ tục có tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 100% là: Xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ CCCD; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn. Tuy nhiên còn 10 thủ tục không phát sinh hồ sơ do người dân không có nhu cầu giải quyết.
Ông Nguyễn Hữu Đính, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết, trước mắt TP chỉ đạo các phòng, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về Đề án 06, nhất là các tiện ích của người dân khi tham gia làm CCCD, ĐDĐT và thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu. Công an TP duy trì làm sạch dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Các cơ quan, đơn vị TP, UBND các phường, xã thực hiện số hóa 100% hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả 25 dịch vụ công thiết yếu; 100% các văn bản được ký số điện tử và phát hành trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).
Thực hiện nghiêm túc việc xác thực thông tin công dân tại bộ phận một cửa TP, phường, xã. Công an TP tiếp tục phối hợp kết nối, tích hợp, sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân trong CSDLQG về dân cư với các phòng, cơ quan, đơn vị TP. Huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội tham gia hướng dẫn kích hoạt tài khoản ĐDĐT cho 100% công dân đủ điều kiện.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)