Tổng kết chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn Bắc Giang: Chủ trương đúng, dân đồng thuận
Chủ trương đi vào cuộc sống
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, ngày 11/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kết luận số 43-KL/TU; tiếp đó ngày 13/7/2017 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2017/NQ- HĐND về Quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2021. Sau một năm thực hiện, ngày 11/7/2018, HĐND tỉnh tiếp tục có Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND.
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái tặng Bằng khen cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc. |
Chia sẻ về phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT), ông Mạc Văn Kiên, Trưởng thôn Thượng, xã Dương Đức (Lạng Giang) nói: Thôn có đường trục khoảng 3 km và các đường nhánh, ngõ xóm dài hơn 4,5 km. Trước đây đường chỉ đủ hai xe máy tránh nhau, đi lại khó khăn. Trăn trở nhiều năm với “rào cản” đó nhưng cán bộ, đảng viên trong thôn loay hoay chưa có giải pháp tháo gỡ. Chỉ đến khi có chủ trương hỗ trợ cứng hóa đường GTNT, thôn thành lập ba tổ công tác đi vận động nhân dân tham gia đóng góp, tự giác hiến đất, tháo dỡ tường rào... Chỉ trong thời gian ngắn, thôn đã cứng hóa gần 6,2 km đường, sử dụng hết gần 1.725 tấn xi măng. Tổng kinh phí thực hiện hơn 5,74 tỷ đồng, trong đó huy động nhân dân đóng góp được gần 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công.
Cũng với kinh nghiệm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xã Cao Xá (Tân Yên) đạt được kết quả ấn tượng. Ông Đỗ Văn Công, Chủ tịch UBND xã ví von: "Chủ trương hỗ trợ cứng hóa GTNT như làn gió mát thổi vào đời sống nhân dân. Nếu không có kết luận của BTV Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh thì Cao Xá không biết đến bao giờ mới có sự thay đổi nhanh chóng, ngoạn mục về giao thông như ba năm qua”.
Giai đoạn 2017-2019, toàn tỉnh cứng hóa 4.213 km đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng, vượt hơn 221% kế hoạch; tổng khối lượng xi măng được hỗ trợ 1.087.684 tấn (vượt 217,5% kế hoạch ban đầu đề ra).
|
Xã Cao Xá có 7 km đường trục, 16 km đường liên thôn và 15 km đường nội đồng gắn với đường liên thôn, đường trục các thôn dài khoảng 35 km. Trước năm 2017, cơ bản là đường nhỏ, xuống cấp, ở nhiều thôn còn là đường đất. Ngay khi nắm bắt chủ trương của tỉnh và huyện, xã đã có nghị quyết chuyên đề, áp dụng mức hỗ trợ 70 triệu đồng/km và triển khai đến toàn bộ các thôn. Phong trào làm đường GTNT ở Cao Xá vì thế diễn ra sôi động, người dân hiến 28,7 nghìn m2, đóng góp 37,6 tỷ đồng. Đến nay xã đã bê tông hóa 59 km đường giao thông, bảo đảm tối thiểu rộng 3,5 m với tổng kinh phí 56,2 tỷ đồng.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Giao thông- Vận tải, kết quả chiều dài cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trong giai đoạn 2017-2019 là hơn 4.213 km (vượt hơn 221% kế hoạch) với khối lượng xi măng được hỗ trợ 1.087.684 tấn (vượt 217,5% kế hoạch ban đầu đề ra). “Từ kết quả đạt được trong phong trào cứng hóa đường GTNT có thể đánh giá nghị quyết là rất hiệu quả, đi vào lòng dân, đối tượng trực tiếp được hưởng lợi là nhân dân. Qua đó đã làm thay đổi nhận thức trong nhân dân với quyết tâm cao xây dựng các tuyến đường GTNT có tính bền vững, quy mô phù hợp cho phát triển kinh tế lâu dài”, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải khẳng định.
Bài học kinh nghiệm
Người dân xã An Lạc (Sơn Động) tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Là một trong những địa phương có kết quả nổi bật, huyện Lục Ngạn có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình, đặc điểm riêng. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Trước khi thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, Lục Ngạn chỉ có hơn 940 km đường GTNT được cứng hóa. Chỉ sau thời gian ngắn, đã có hơn 1.150 km đường được bê tông hóa, đạt khoảng 85% tổng chiều dài hệ thống GTNT trên địa bàn toàn huyện. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện cân đối ngân sách hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển xi măng đến công trình; 150 triệu đồng/km cho các thôn vùng đặc biệt khó khăn và 100 triệu đồng/km cho các thôn, khu phố còn lại. Người dân thấy được thực chất của chủ trương, chính sách này là từ nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nên vào cuộc rất hào hứng, sôi nổi”.
Trong thực tế đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân không tiếc công sức, tiền của, hiến đất và tài sản để thực hiện chủ trương cứng hóa đường GTNT. Đơn cử như gia đình các ông: Trần Công Sáu, thôn Vân Cẩm, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) đóng góp gần 1,3 tỷ đồng; Đặng Đình Huy, thôn 12, xã Hương Lạc (Lạng Giang) đóng góp 1,2 tỷ đồng; Nguyễn Văn Lành, thôn Chung, xã Tân Thanh (Lạng Giang) hiến 1.248 m2 đất nông nghiệp; ông Giáp Văn Hòa cùng ở thôn Chung, xã Tân Thanh hiến 1.200 m2 đất nông nghiệp...
Qua lắng nghe ý kiến từ các ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng và kết quả tích cực trong thực hiện chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu ra 4 bài học kinh nghiệm quý: Trước hết, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp là tiền đề cho sự thành công. Chủ trương, chính sách muốn đi vào cuộc sống cần phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc thực tiễn, thông qua quá trình bàn bạc dân chủ và hướng đến mục tiêu vì lợi ích của người dân, lợi ích của cộng đồng. Hai là sự đồng thuận, tham gia hưởng ứng của nhân dân là nhân tố quyết định cho mọi vấn đề, phải phát huy dân chủ và thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Mọi chủ trương, chính sách dù hay đến đâu nhưng nếu không được sự đồng thuận, ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân thì cũng chỉ dừng lại trên giấy. Ba là tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời bảo đảm tính công khai, dân chủ trong quá trình thực hiện giữ vai trò mấu chốt. Bốn là sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tập trung, đồng bộ, thống nhất của cơ quan nhà nước giữ vai trò quan trọng. Đây là điều kiện để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện chính sách được thuận lợi, hiệu quả. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục hoàn thiện các phần việc, thủ tục liên quan; quan tâm công tác quản lý, bảo trì để các tuyến đường phát huy hiệu quả, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 32 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2019.
Ý kiến bạn đọc (0)