Tình yêu quê hương qua phương ngôn
Bến sông Thương đã đi vào nhiều câu phương ngôn. |
Xứ Bắc là vùng đất cổ từng chứng kiến ngàn năm của đất nước từ thời Bắc thuộc cho đến hết chế độ phong kiến. Phương ngôn xứ Bắc là những tên đất tên làng cụ thể phản ánh niềm tự hào của nhân dân với mỗi làng quê. Đó là những bằng chứng sinh động và cụ thể, là dấu tích của nền văn hóa xa xưa. Chẳng hạn có dịp về làng Bầu Hến, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), chắc chắn sẽ được các cụ cao tuổi đọc cho nghe câu ca thân thuộc: Hỡi cô thắt bao lưng xanh/ Có về Bầu Hến với anh thì về/ Làng Hến có gốc cây đề/ Có sông tắm mát có nghề bện quang.
Ta thêm yêu dòng sông Thương thơ mộng có cái tên thật đẹp thời cổ Đào Hoa giang. Câu ca ngầm chứa truyền thuyết buồn rằng đây là con sông cuối cùng chứng kiến cảnh thương tâm của vợ con những người lính thú tiễn chồng đi chảy nước non Cao Bằng thời Trịnh - Mạc phân tranh: Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Chia ly đôi ngả cho lòng quặn đau. Hay những câu thơ gợi cho ta hình dung về vùng quê Yên Thế vốn nổi tiếng là nơi rừng thiêng, có nhiều lâm sản quý: Ai về Yên Thế mà xem/ Núi rừng trùng điệp như nêm mọc dày/ Yên Thế lắm núi nhiều rừng/ Vô vàn tre gỗ anh đừng có quên/ Anh về rồi anh lại lên/ Tiền rừng bạc biển ai quên chốn này.
Có khi những câu phương ngôn đơn giản chỉ là sự dẫn đường chỉ lối. Ví như những địa danh: Giếng Ống, Đèo Cà, Bo Non, Bờ Mận, Cổng Trâu, Dốc Đồn… đều thuộc tổng Hương Vĩ xưa (nay thuộc vùng Bố Hạ, Đông Sơn) đã được dân gian đọc thành câu thơ vần điệu: Giếng Ống nước chảy trong xanh/ Đường đi khúc khuỷu xung quanh Đèo Cà/ Cổng Trâu ta đã đi qua/ Bo Non, Bờ Mận ta đà nghỉ chân/ Một thôi cho đến Dốc Đồn/ Gặp phố Bố Hạ không còn hồ nghi.
Rồi những câu nhắc nhớ phiên chợ trong vùng, có khi thông qua đó lấy cớ để diễn tả tình cảm nhung nhớ của thanh niên nam nữ: Mồng bốn phiên chợ Na Lanh/ Mồng năm chợ Tỉnh dành dành mình ơi/ Mồng sáu chợ Kép tới nơi/ Mồng bảy mới thực là nơi chợ nhà/ Mồng tám chợ Phổng đường xa/ Cơm nắm cơm gói cả nhà cùng đi… Chợ Thương một tháng sáu phiên/ Anh đi chợ liền mà chẳng vào chơi/ Thày mẹ nhớ lắm anh ơi/ Thày mẹ nhớ ít thì tôi nhớ nhiều. (Na Lanh còn gọi là chợ Mỏ Trạng (Tam Tiến- Yên Thế); chợ Tỉnh tức chợ Nhã Nam, trước đây có thành Tỉnh Đạo, do đó quen gọi là chợ Tỉnh; chợ nhà tức chợ Bố Hạ; chợ Phỏng thuộc Hữu Lũng, Lạng Sơn).
Đọc phương ngôn xứ Bắc, ta bắt gặp bao làng quê hiền hòa gần gũi, thơ mộng mà ý nhị biết bao. Nhưng trên hết vẫn là niềm tự hào về làng quê, là tấm lòng thơm thảo của người lao động mỗi khi nhắc đến làng quê mình: Khăn mặt mà vắt qua sào/ Anh về thăm mẹ khi nào anh lên/ Anh lên thì anh cứ lên/ Đừng bỏ phố Giáo, đừng quên chợ Chàng/ Lục Nam có quán bán hàng/ Có dãy phố hẹp rộn ràng đó đây/ Núi Huyền phong cảnh đẹp thay/ Sông Lục tàu chạy mỗi ngày một đông (Phố Giáo thuộc Tiên Hưng- Lục Nam).
Hoặc có những câu không đơn thuần phản ánh tình cảm gắn bó với quê hương mà còn giúp chúng ta hôm nay có thể tìm hiểu về một nghề thủ công truyền thống nào đó: Dương Lâm có bễ đúc tiền/ Ai đi đến đó thì quên đường về/ Quên thì quên mẹ quên cha/ Quên cửa quên nhà nhớ đất Dương Lâm. Có những câu phương ngôn rất độc đáo mà trong đó người dân xứ Bắc xưa dùng lối chơi chữ rất khéo léo: Đa Mai có thuổng Đa Mai đào/ Phụng Công có cánh phụng Công chao/Làng Đò có thuyền làng Đò lái/ Bến Thương có nhớ bến Thương gào.
Còn rất nhiều, rất nhiều câu phương ngôn khác nữa thể hiện trí thông minh, sự lịch lãm của người xứ Bắc. Đi vào thế giới của những câu phương ngôn xứ Bắc, ta bắt gặp một Bắc Giang trong lịch sử, một Bắc Giang chân chất hiền hòa với bao đặc sản của thiên nhiên, bao sáng tạo của những bàn tay lao động. Một Bắc Giang nhiều thắng cảnh đẹp, ấp ủ trong nó là con người cụ thể, địa danh cụ thể khiến ta không khỏi ngỡ ngàng, rằng từ xa xưa quê hương đã hiển hiện vẻ đẹp đến nhường này.
Hồng Phong
Ý kiến bạn đọc (0)