Tìm "việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia, nhiều người mắc bẫy lừa đảo
Vợ chồng anh Cường, chị Nguyên ở xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi từ Campuchia trở về nhà. Chỉ vì nghe theo lời người quen nói đi sang Campuchia làm những công việc trên máy tính nhẹ nhàng nhưng lương rất cao, được trả cả nghìn USD mỗi tháng nên khoảng tháng 2 năm 2022, vợ chồng anh chị đã quyết định sang Campuchia lao động.
Người dân trình báo sự việc với Công an huyện Lục Ngạn. |
Sau khi di chuyển bằng máy bay vào TP phố Hồ Chí Minh, anh Cường, chị Nguyên được người dẫn đường đưa sang sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Từ đây, anh chị đến một khu nhà cao tầng ngay sát biên giới Campuchia- Việt Nam. Sau 1 tháng học việc, chị Nguyên được các đối tượng trả cho 200 USD, tương đương khoảng 4,6 triệu đồng. Nhận thấy những công việc ở đây có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng nên anh Cường, chị Nguyên đã xin thôi học việc.
Tuy nhiên, các đối tượng ở đây nhất định không đồng ý, đã đe dọa và yêu cầu phải nộp phạt 20 nghìn USD thì mới thả ra khỏi công ty cho về Việt Nam. Chị Nguyên cho biết: "Thực ra, chúng tôi định sang đó để tìm hiểu công việc như thế nào rồi mới quyết định làm. Nhưng nhận thấy công việc không phù hợp với mình nên đã xin thôi. Nào ngờ, bản thân và gia đình lại ra nông nỗi này".
Cùng đi với vợ chồng anh Cường, chị Nguyên trong đợt đó còn có 6 người nữa trên địa bàn huyện Lục Ngạn và một số người ở miền Nam. Tất cả trong số này sau khoảng 1 tháng đầu học việc đều không chịu đựng được sức ép về thời gian. Anh Tân ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết, bản thân anh đã làm hợp đồng với công ty 6 tháng, sau khi làm việc và được lĩnh lương tháng đầu tiên, đến tháng thứ 2 thì không chịu được áp lực vì phải làm việc tới 15 tiếng mỗi ngày trong phòng máy.
Hơn nữa, những công việc được nói là “nhẹ nhàng, lương cao” này đều là những công việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng như: Soạn thảo, gửi, phát tán tin nhắn trên mạng xã hội; tư vấn, dụ dỗ vay tiền trực tuyến, đánh bạc, chơi game qua mạng… nhắm vào người Việt Nam. Anh Tân chia sẻ thêm: “Lương tâm không cho phép nên chúng tôi xin thôi việc”. Gia đình anh Tân cũng phải chuyển sang 10 nghìn USD để nộp phạt để anh có thể về nhà.
Ông Dũng ở xã Qúy Sơn, huyện Lục Ngạn cũng có con sang Campuchia trong đợt trên cho biết: “Nói chung là các con đi làm ăn thì ai cũng mong muốn có tiền mang về nhưng bây giờ mà gia đình khó khăn mà lại phải chạy tiền cho con thì đúng là một cú sốc rất lớn. Gia đình tôi đã phải chuyển tổng cộng 270 triệu đồng mới cứu được con trở về”.
Đối với những lao động ở nông thôn thì việc một lúc phải lo chạy vạy hàng trăm triệu đồng như vậy để cứu thoát con em mình ra khỏi nơi nguy hiểm quả là điều không đơn giản. Nhưng trước thông tin người thân bị đối tượng xấu nhốt trong phòng kín đe dọa đánh đập, không cho ăn uống khiến cho các gia đình bằng mọi giá phải lo chạy vạy tiền nộp phạt cho con em mình.
Chị Nguyên cho biết: "Sau khi xin thôi việc, các đối tượng ở đó nhốt nhóm người lao động Việt Nam ở một khu riêng trên tầng cao; ngày đầu chỉ cho ăn một bữa. Mấy ngày sau không cung cấp thức ăn nữa. Trong quá trình học việc ở đó, các đối tượng không cho người lao động dùng điện thoại và kiểm soát rất chặt chẽ".
Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Lục Ngạn cho biết: Qua công tác nắm tình hình của Công an huyện Lục Ngạn, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang và trình báo của người dân, lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đang vào cuộc xác minh vụ việc.
Được biết, trên địa bàn huyện Lục Ngạn, ngoài nhóm 8 người lao động sang Campuchia về nước đã trình báo còn một số người lao động cũng phải nộp phạt tiền tương tự trước khi xin về nước.
Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Người lao động khi đi sang Campuchia tìm kiếm việc làm nếu không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi đi và không đi qua các công ty, đơn vị được Nhà nước cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động thì rất có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh đã tham mưu chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hệ lụy có thể xảy ra đối với công dân Việt Nam đi sang nước ngoài nói chung và các nước trong khu vực như: Campuchia, Malaysia… nói riêng. Việc tự tìm việc làm rất dễ trở thành nạn nhân của các loại tội phạm: Mua bán người, bị ép bán dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Qua vụ việc trên, thời gian tới, Phòng Cảnh sát hình sự sẽ tham mưu chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn tỉnh tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, không rơi vào trường hợp như trên; tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh, không để xảy ra tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài, ảnh: Minh Thúy
Ý kiến bạn đọc (0)